Phân tích này dựa trên đánh giá toàn diện các nghiên cứu hiện có, làm sáng tỏ nhóm máu có thể ảnh hưởng đến kết quả sức khỏe như thế nào.
Các nhà khoa học tại Đại học Maryland (Mỹ) đã phân tích tổng hợp 48 nghiên cứu, bao gồm hơn 16.700 bệnh nhân đột quỵ và gần 600.000 người khỏe mạnh, nhằm kiểm tra mối liên hệ di truyền giữa nhóm máu và đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Kết quả cho thấy người có nhóm máu A có thể phải đối mặt với nguy cơ bị đột quỵ trước tuổi 60 cao hơn 16% so với những người có nhóm máu khác, theo tờ Times of India.
Phát hiện này cho thấy các yếu tố di truyền liên quan đến nhóm máu có thể khiến một số người có thể bị đột quỵ ở tuổi trẻ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nguy cơ đột quỵ tăng thêm ở những người có nhóm máu A là nhỏ, do đó không cần phải cảnh giác hoặc sàng lọc thêm ở nhóm này.
Ngược lại, kết quả cũng cho thấy người có nhóm máu O có nguy cơ bị đột quỵ ở lứa tuổi trẻ thấp hơn 12%.
Quan sát này nhấn mạnh vai trò bảo vệ tiềm tàng của nhóm máu O chống lại đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đặc biệt ở người trẻ tuổi.
Những phát hiện này thúc đẩy việc nghiên cứu sâu hơn về các yếu tố di truyền quyết định đột quỵ. Hiểu được các cơ chế cơ bản có thể dẫn đến các chiến lược phòng ngừa và điều trị có mục tiêu hơn cho những người có nguy cơ cao.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng ngoài nhóm máu, huyết áp cao và hút thuốc lá vẫn là những yếu tố góp phần đáng kể gây ra nguy cơ đột quỵ.
Mọi người được khuyến khích tập trung vào các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát các bệnh mạn tính như tiểu đường và huyết áp cao. Những thay đổi lối sống này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ và nâng cao sức khỏe tổng thể, theo Times of India.