Khai quật khảo cổ học tại đường Hoàng Gia thuộc Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy nhiều hiện vật, di vật quý.
Sáng 23-7, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (thuộc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị thông báo kết quả ban đầu về đợt khai quật khảo cổ đường Hoàng Gia, với tổng diện tích 14.000m2, thực hiện từ tháng 11-2021 đến nay.
Con đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) là con đường vua đi, nằm ở chính giữa kinh đô theo trục Bắc – Nam trong quy hoạch tổng thể của các kinh đô cổ phương Đông. Trong kế hoạch quản lý, bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, UNESCO đặc biệt chú ý việc quản lý, bảo vệ và nghiên cứu đường Hoàng Gia.
Dấu tích con đường Hoàng Gia ở Di sản thế giới Thành nhà Hồ lộ diện sau khai quật khảo cổ học – Ảnh Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp
Quá trình khai quật khảo cổ học phát hiện dấu tích đường Hoàng Gia còn lại rất rõ, được kè đá xanh và lát đá phiến, nằm chính giữa cổng Nam Thành nhà Hồ, hướng Bắc – Nam, nối thẳng về phía nam đến di tích Nam Giao, nối về phía bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.
Về vật liệu kiến trúc, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý – Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long; nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây.
Ngoài ra còn phát hiện các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần – Hồ.
Về gốm sứ, các hố khai quật tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Trần – Hồ và thời Lê Sơ.
Một hiện vật quý vừa được phát hiện qua khai quật khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ – Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp
Bước đầu, các nhà khảo cổ học nhận định cuộc khai quật này đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành. Con đường này có lẽ chỉ có một làn đường, rộng khoảng gần 5m như đã thấy xuất lộ ở gần cửa Nam.
Mục tiêu lớn nhất trong cuộc khai quật nghiên cứu Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ là nghiên cứu con đường Hoàng Gia, nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của kinh đô thời nhà Hồ. Do vậy, cuộc khai quật lần này đã có nhiều phát hiện mới, đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử.
Đến nay, các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô, như dấu tích con đường Hoàng Gia, cụm kiến trúc nền Vua, cụm kiến trúc con Rồng…
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, khu di sản này được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới năm 2011, trên cơ sở hai tiêu chí nổi bật toàn cầu, trong đó có tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
Khu vực Chính điện Thành nhà Hồ được phát hiện qua khai quật khảo cổ học – Ảnh Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cung cấp
Các cuộc khai quật khảo cổ học nêu trên đã minh chứng và làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Do giá trị to lớn của khu di sản, các nhà khảo cổ học kiến nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ căn cứ vào các khuyến nghị của UNESCO, vào cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa, Luật di sản văn hóa để xây dựng kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Trước mắt, cần xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ, nhằm phát huy tốt nhất giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/phat-hien-nhieu-hien-vat-quy-qua-khai-quat-khao-co-hoc-tai-di-san-van-hoa-the-gioi-thanh-nha-ho-20220723120556737.htm