Trong 2 năm liền, một đội ngũ các nhà khảo cổ học của Archaelogists, thuộc cơ quan quản lý các bảo tàng lịch sử quốc gia của chính phủ Thụy Điển, bắt tay vào nghiên cứu khu vực thành cổ của Kalmar, ven biển Baltic. Khu thành cổ từng là trung tâm thành phố từ đầu thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 17.
Dự án khảo cổ tập trung vào 50 lô đất từ thời Trung Cổ, 10 con đường và những phần của tường thành từ nhiều thế kỷ trước. Và kết quả thu được vượt xa mọi kỳ vọng của giới chuyên gia, theo tạp chí Newsweek hôm 11.3.
Các nhà nghiên cứu khai quật được tàn tích của hàng trăm tòa nhà, hầm ngầm, đường phố và cổ vật từ năm 1250 đến năm 1650.
“Chúng tôi đã có thể dỡ bỏ tấm màn bí mật về thành phố vào thời Trung Cổ, và có cơ hội nghiên cứu người xưa sinh sống như thế nào, họ ăn uống ra sao, và thói quen này thay đổi như thế nào theo thời gian”, giám đốc dự án Magnus Stibéus cho biết.
Trong số 30.000 vật thể được tìm thấy, các nhà khảo cổ học phát hiện một chiếc nhẫn bằng vàng ròng, khắc hình Chúa Jesus và được cho có niên đại từ đầu thế kỷ 15. Dựa trên hình dạng của nó, họ cho rằng chủ nhân chiếc nhẫn là một phụ nữ.
Chiếc nhẫn trong tình trạng gần như mới và ông Stibéus cho rằng người nào đó đã đánh mất chiếc nhẫn này cách đây khoảng nửa thiên niên kỷ.
‘Nhạc sàn’ thời Trung cổ nghe ra sao?