Hành tinh này thường được gọi là LHS 1140 b hay “siêu trái đất” với kích thước lớn hơn trái đất khoảng 1,7 lần và nằm cách khoảng 48 năm ánh sáng, theo Newsweek. Hành tinh này có khối lượng lớn hơn trái đất khoảng 6,6 lần và có thể được tạo thành từ đá với lõi sắt dày đặc.
Theo một bài báo mới được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters, hành tinh xa xôi này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2017. Thế giới mới này hiện được xác định là một hành tinh đá như trái đất.
“Đây sẽ là một cột mốc quan trọng trong quá trình tìm kiếm các ngoại hành tinh có khả năng sinh sống”, theo ông Charles Cadieux, đồng tác giả bài báo và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Montréal (Canada).
Sử dụng dữ liệu thu thập được từ kính viễn vọng không gian James Webb (JWST), các nhà khoa học phát hiện LHS 1140 b ít đặc hơn đối với một thế giới hoàn toàn là đá, và 10 – 20% khối lượng của nó có thể là nước. Điều này đồng nghĩa hành tinh này có thể là một thế giới băng với đại dương lỏng bên dưới lớp băng, tương tự vệ tinh Europa của sao Mộc.
Theo bài báo, đại dương này có thể có nhiệt độ bề mặt ấm tới 20 độ C và rộng khoảng 4.023 km – gần bằng một nửa kích thước của Đại Tây Dương hiện nay.
Nhóm khoa học gia Canada cũng phát hiện hành tinh này có bầu khí quyển, có thể chứa một lượng khí nitơ tương tự như trái đất. Sự hiện diện của bầu khí quyển này sẽ cho phép hành tinh duy trì nước lỏng trên bề mặt.
“LHS 1140 b là một trong những ngoại hành tinh nhỏ tốt nhất trong vùng Goldilocks, có khả năng duy trì bầu khí quyển dày, và chúng ta có thể đã tìm thấy bằng chứng về không khí trên hành tinh này. Mặc dù chúng tôi cần nhiều quan sát JWST hơn để xác nhận bầu khí quyển giàu nitơ và tìm kiếm các loại khí khác, nhưng đây là một khởi đầu rất hứa hẹn”, theo ông Ryan MacDonald, đồng tác giả của bài báo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-hien-moi-ve-sieu-trai-dat-lhs-1140-b-185240710111401586.htm