Trong một cuộc phỏng vấn mới dây, các nhà nghiên cứu tham gia một dự án khảo cổ học chung giữa Mỹ và Guatemala cho hay họ đã phát hiện 417 thành phố của người Maya có niên đại khoảng 3.000 năm, được kết nối với nhau bằng 117 km “đường siêu xa lộ”, theo tờ The Washington Post ngày 20.5. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hệ thống đường cao tốc đầu tiên trên thế giới.
Phát hiện vừa được công bố vào tháng 12.2022 này đang khiến các nhà sử học phải xem xét lại những hiểu biết về nền văn minh Maya cổ đại. Việc phát hiện ra một mạng lưới đường sá và thành phố, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp cho thấy rằng các cộng đồng sống ở Trung Mỹ đã tiến bộ hơn những gì được ghi nhận.
Theo nghiên cứu, những phát hiện mới phản ánh “tổ chức kinh tế xã hội và quyền lực chính trị”. Thế giới đã mất có niên đại từ 1.000 năm trước Công nguyên đến thời kỳ tiền cổ điển của người Maya, từng được coi là một xã hội du mục, săn bắn hái lượm.
Phát hiện mới từ khu vực rừng rậm El Mirador ở miền bắc Guatemala là “thứ thay đổi cuộc chơi”, ông Richard Hansen, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư về khảo cổ học tại Đại học Bang Idaho (Mỹ), nói với The Washington Post.
“Hiện chúng ta biết rằng thời kỳ Tiền cổ điển là một thời kỳ có sự phức tạp và tinh tế về kiến trúc, với một số tòa nhà lớn nhất trong lịch sử thế giới được xây dựng trong thời gian này”, ông Hansen cho hay. Ông còn nói rằng những phát hiện mới đã tiết lộ “một phần lớn lịch sử loài người mà chúng ta chưa từng biết đến”.
Ý nghĩa gì từ những dấu bàn tay bí ẩn trong động thiêng của người Maya?
Nhóm nghiên cứu, với các nhà khoa học từ Mỹ và Guatemala, đã lập bản đồ các khu vực ở Trung Mỹ từ năm 2015 và đã sử dụng công nghệ lidar – một kỹ thuật lập bản đồ khảo cổ bằng laser – để phát hiện những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn như thảm thực vật cổ đại. Nhờ vậy, các nhà khoa học có thể nhìn thấy những con đập, hồ chứa nước, kim tự tháp, mạng lưới đường đắp cao và thậm chí cả sân bóng cổ đại, theo nghiên cứu.