Đồng tác giả nghiên cứu Yousuke Kaifu thuộc Đại học Tokyo cho biết: “Chúng tôi không ngờ rằng sẽ tìm thấy những cá thể nhỏ hơn tại một địa điểm cổ xưa như vậy”.
Hóa thạch người Hobbit ban đầu có niên đại từ 60.000 đến 100.000 năm trước. Các hóa thạch mới được khai quật tại một địa điểm có tên là Mata Menge, cách hang động nơi phát hiện ra hóa thạch ban đầu khoảng 72,5 km.
Vào năm 2016, sau khi nghiên cứu xương hàm và răng thu thập được từ địa điểm mới, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng những người họ hàng trước đó của người Hobbit có thể thấp hơn nữa. Phân tích sâu hơn về một mảnh xương cánh tay nhỏ và răng cho thấy tổ tiên của người Hobbit thấp hơn loài này khoảng 6 cm và tồn tại cách đây 700.000 năm.
Nhà nhân chủng học tiến hóa Dean Falk tại Đại học bang Florida, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Họ đã chứng minh một cách thuyết phục rằng đây là những cá thể rất nhỏ”.
Những phát hiện này đã được công bố vào ngày 6/8 trên tạp chí Nature Communications.
Các nhà nghiên cứu đã tranh luận về cách người Hobbit, được đặt tên là Homo floresiensis theo tên hòn đảo xa xôi Flores của Indonesia, tiến hóa để trở nên nhỏ bé như vậy và họ nằm ở đâu trong câu chuyện tiến hóa của loài người. Họ được cho là một trong những loài người cuối cùng bị tuyệt chủng.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu người Hobbit có bị thu nhỏ lại từ một loài người cao hơn trước đó gọi là Homo erectus từng sống trong khu vực này hay không, hay từ một loài người thậm chí còn nguyên thủy hơn.
Nhà nhân chủng học Matt Tocheri tại Đại học Lakehead của Canada cho biết cần phải có thêm nhiều nghiên cứu cũng như hóa thạch để xác định vị trí của người Hobbit trong quá trình tiến hóa của loài người.
“Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp và sẽ tiếp tục là trọng tâm nghiên cứu trong thời gian tới”, Tocheri, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
Hoài Phương (theo AP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/phat-hien-moi-cho-thay-nguoi-lun-hobbit-con-thap-hon-post306698.html