Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sau khi bị cá bống Odontobutis obscura nuốt trọn, những con lươn Nhật Bản con (Anguilla japonica) ngoe nguẩy chui ra khỏi dạ dày qua đường tiêu hóa và bơi qua mang cá, thoát ra ngoài.
Các nhà nghiên cứu đã dùng hệ thống video X-quang ghi lại cảnh lươn trốn thoát táo bạo này, mô tả những phát hiện của họ trong một nghiên cứu được công bố vào đầu tuần này trên tạp chí Current Biology.
“Trước khi ghi lại cảnh quay X-quang đầu tiên, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lươn có thể thoát khỏi dạ dày của một loài cá săn mồi”, Yuha Hasegawa, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Nagasaki của Nhật Bản, cho biết.
“Chúng tôi thực sự kinh ngạc khi chứng kiến cảnh lươn tuyệt vọng thoát khỏi dạ dày của loài cá săn mồi, sau đó bơi đến mang cá”.
Để thoát khỏi ruột của cá bống, lươn sẽ nhét đuôi vào thực quản cá rồi lộn ngược lại. Để thoát khỏi dạ dày, lươn sẽ thò đuôi ra khỏi mang cá và uốn lượn kéo theo phần còn lại của cơ thể. Trung bình, mất khoảng 3 phút rưỡi để lươn thoát ra ngoài sau khi bị nuốt.
Nhà ngư học Kory Evans, phó giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Rice ở Houston, cho biết: “Đoạn video X-quang về những con lươn bơi vòng tròn trong dạ dày cá để tìm đường thoát ra đặc biệt ấn tượng, đồng thời cho thấy rằng đối với một số con mồi, cuộc chiến sinh tồn vẫn chưa kết thúc kể cả sau khi bị ăn thịt. Điều này thực sự rất truyền cảm hứng”.
Trong khi hành vi trốn thoát này cho đến nay chỉ được ghi nhận ở lươn con Nhật Bản, các tác giả nghiên cứu cho biết lươn lớn hơn, cơ bắp hơn, chịu được môi trường axit, nghèo oxy trong dạ dày, vẫn có thể có tỷ lệ sống sót sau khi bị nuốt, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để biết chắc chắn.
Ngọc Ánh (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/phat-hien-loai-vat-van-co-the-song-song-sot-va-tron-thoat-sau-khi-bi-an-thit-post312378.html