Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: 3 tác hại bất ngờ của điện thoại bẩn với da; Nốt ruồi tẩy đi có mọc lại không?; Trái cây giải nhiệt mùa hè: Xoài lợi tiểu, giảm viêm…
Đâu là thời điểm lý tưởng để đi ngủ?
Theo các chuyên gia, thời điểm lý tưởng để đi ngủ là từ 22 – 23 giờ đêm.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Exeter (Anh) nói rằng nếu muốn bảo vệ trái tim và giữ sức khỏe tốt về lâu dài, bạn nên đi ngủ trong khoảng thời gian từ 22 – 23 giờ đêm.
Cụ thể, nghiên cứu có sự tham gia của hơn 88.000 người từ 43-79 tuổi, được thu thập dữ liệu về thời gian đi ngủ và thức dậy trong khoảng 7 ngày. Họ cũng hoàn thành các đánh giá về nhân khẩu học, lối sống, sức khỏe và thể chất trong thời gian này.
Sau đó, nhóm tình nguyện viên được tiếp tục theo dõi sức khỏe và các chẩn đoán bệnh tim mạch, chẳng hạn như đau tim, suy tim, thiếu máu cục bộ mạn tính, đột quỵ… trong thời gian khoảng 5 năm tiếp theo.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 3% trong số các tình nguyện viên đã phát triển bệnh tim mạch sau đó. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở những người có thời gian ngủ vào lúc sau nửa đêm và thấp nhất ở những người có giấc ngủ trong khoảng từ 22 – 23 giờ tối. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 13.5.
3 tác hại bất ngờ của điện thoại bẩn với da
Không thể phủ nhận những tiện ích mà điện thoại di động mang lại cho cuộc sống. Chúng giúp ta có thể liên lạc với người thân yêu, học tập, giải trí và nhiều tiện ích khác. Tuy nhiên, điện thoại cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về da.
Khi dùng điện thoại bẩn, da có thể gặp những vấn đề sau:
Mụn. “Điện thoại của chúng ta rất bẩn”, tạp chí Women’s Health dẫn lời Phó giáo sư Joshua Zeichner, chuyên gia da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York (Mỹ).
Điều này là do bàn tay chúng ta thường xuyên chạm lên điện thoại, kể cả lúc đi vệ sinh, khiến thiết bị này trở thành nơi tích tụ rất nhiều thứ, từ tế bào da, mồ hôi tay, vi khuẩn, phấn trang điểm và bụi bẩn từ môi trường. Khi nghe điện thoại, chúng ta vô tình khiến các vi khuẩn này có cơ hội xâm nhập vào da mặt. Hệ quả là làm tắc nghẽn lỗ chân lông, cuối cùng gây mụn, đặc biệt là mụn trứng cá.
Cách đơn giản nhất là dùng tai nghe bluetooth. Nếu không dùng tai nghe, mọi người hãy đảm bảo vệ sinh điện thoại bằng dung dịch cồn sát khuẩn ít nhất 2 lần/ngày, Phó giáo sư Zeichner nói thêm. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 13.5.
Nốt ruồi tẩy đi có mọc lại không?
Hầu hết mọi người đều có nốt ruồi. Chúng vô hại và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nốt ruồi có nhiều hình dạng, kích thước và màu sắc khác nhau. Vì một số nguyên nhân, nhiều người tìm cách tẩy nốt ruồi. Có những trường hợp chúng đã mọc lại sau đó.
Nốt ruồi hình thành do sự tích tụ mật độ cao tế bào sắc tố trên da. Một số nốt ruồi xuất hiện khi mới sinh, số khác phát triển qua quá trình trưởng thành.
Tuy nhiên, có những nốt ruồi là ung thư hoặc có thể trở thành ung thư. Những nốt ruồi là ung thư sẽ có đường viền không đều, màu sắc khác thường hoặc phát triển lớn bất thường. Nếu nghi ngờ nốt ruồi là ung thư da, người mắc nên đến bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người muốn tẩy nốt ruồi là vì yếu tố thẩm mỹ. Phẫu thuật loại bỏ nốt ruồi là một thủ thuật y khoa phổ biến, có thể được bác sĩ da liễu thực hiện dễ dàng. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!