Di tích An Phú, nằm cách Pleiku 7 km về phía đông, từng được các học giả người Pháp nhắc đến trong các nghiên cứu từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, vùng đất này đã trở thành vựa rau lớn nhất Gia Lai, cung cấp cho nội tỉnh và các tỉnh miền Trung.
Theo báo cáo kết quả khai quật, tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ thuộc Viện Khoa học – Xã hội vùng Nam Bộ, cho biết phát hiện quan trọng nhất trong cuộc khai quật là cấu trúc “kho thiêng” (hố thiêng) hình chữ Vạn, cho thấy di tích này là một ngôi đền thờ Phật giáo.
“Kho thiêng” có phần trung tâm nằm trong khung hình tròn và được tạo dựng bằng các viên gạch xếp thành hình chữ Vạn. Đây là cấu trúc đầu tiên được phát hiện tại di tích An Phú và trên địa bàn Tây Nguyên, cũng là duy nhất hiện nay trong bối cảnh chung của các nền văn hóa cổ ở miền Trung Việt Nam (văn hóa Chămpa), Nam Bộ (văn hóa Óc Eo) và khu vực Đông Nam Á.
Bên trong “kho thiêng”, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bộ hiện vật ký cúng gồm các vật phẩm bằng vàng (bình kamandalu, hoa sen, các lá vàng có khắc ký tự cổ), trang sức bằng đá quý, thủy tinh.
Những vật phẩm này được đặt vào “kho thiêng” để dâng cúng cho đấng được thờ phụng tại di tích, cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng để đánh giá toàn diện hơn về di tích An Phú.
Hiện tại, trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai có hai di vật bằng đá đang được trưng bày. Hai khối đá này do người dân phát hiện tại khu vực di tích An Phú. Một khối đá có hình hộp chữ nhật, cao 40 cm, các cạnh liền kề dài 58 cm và rộng 66 cm, có lỗ tròn xuyên tâm. Khối đá còn lại có hình dạng chóp cụt, vuông vức, cân đối, cao 51 cm.
Các nhà chuyên môn cho rằng di tích An Phú có niên đại từ khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 và hai khối đá này có thể là một phần của bệ thờ của người Chăm xưa.
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Những phát hiện từ đợt khai quật này rất giá trị. Chúng tôi đang làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để đề nghị công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Những biện pháp bảo vệ, lưu giữ hiện vật và khoanh vùng cũng đã và đang được tiến hành.
Đây là cứ liệu quý để nghiên cứu về sự giao lưu văn hóa, kinh tế của Chămpa xưa với vùng cao nguyên và cả miền Trung. Ngoài ra, vì di tích nằm gần với trung tâm TP.Pleiku, nên đây cũng là một điểm đến để thu hút du khách nếu được khai thác và phát huy hiệu quả”.
Di Ái
Nguồn: https://www.congluan.vn/phat-hien-kho-thieng-cua-vuong-quoc-champa-tai-di-tich-an-phu-post304193.html