(NLĐO) – Một “kho báu người chết” độc đáo đã tiết lộ về nhà nước Kangju, một chính thể ít được biết đến từng hùng cứ suốt 900 năm ở khu vực nay là Kazakhstan.
Theo Live Science, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Ozbekali Zhanibekov (Kazakhstan) và cơ quan khảo cổ địa phương đã phát hiện ra 3 ụ chôn cất cổ xưa ở quận Ordabasinsky của vùng Turkistan – Kazakhstan. Một trong 3 phần mộ này chứa kho báu ngoài mong đợi.
Trong khi 2 ụ chôn cất trong số đó bị cướp phá, cái thứ 3 lại nguyên vẹn một cách bí ẩn.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong phần mộ này vô số hiện vật đắt giá như một chiếc gương đồng Trung Quốc, trâm cài kiểu La Mã được gọi là fibula, các hạt cườm lớn và nhỏ, bình gốm, giày, khóa thắt lưng, một đầu mũi tên….
Ngoài ra, đặc sắc nhất là một đôi bông tai vàng cỡ lớn được chế tác vô cùng tinh xảo.
Chúng được làm bằng hợp kim chứa vàng nhiều màu sắc được gọi là “vàng đa sắc”, dát ngọc lam và hồng ngọc, có hình lưỡi liềm tượng trưng cho Mặt Trăng, với các đồ trang trí phía dưới tượng trưng cho chùm nho và được thiết kế để phản chiếu ánh nắng.
Phát hiện này không đơn thuần là một kho báu quý giá, chúng còn chứa đựng dữ liệu lịch sử mà các nhà khoa học bấy lâu tìm kiếm.
Các ụ chôn cất này là của những nhân vật quyền quý thuộc nhà nước Kangju, một đế chế, một nền văn hóa độc đáo đã hùng cứ khu vực này từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ IV sau Công nguyên.
Mặc dù vậy, các tư liệu về Kangju rất hiếm hoi. Cuộc sống của những người thuộc đế chế này vẫn còn nằm trong màn sương bí ẩn.
Vì vậy, các vật tùy táng của giới quý tộc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người hiện đại hình dung lại xã hội của họ.
Theo thông cáo từ chính quyền địa phương, kho báu trong phần mộ được xây dựng khoảng thế kỷ I sau Công nguyên này cho thấy nghề thủ công rất phát triển của khu vực.
Ngoài ra, các vật quý giá được nhập khẩu cũng cho thấy Kangju giao thương với La Mã cổ đại, Trung Quốc cổ đại và Đế quốc Kushan ở xa hơn về phía Nam.
Điều này là nhờ vị trí của thành đô Kangju nằm ngay trên “Con đường tơ lụa” vĩ đại nối từ Trung Quốc đến vùng Địa Trung Hải.
Người nằm trong ngôi mộ được cho là một phụ nữ quý tộc ở Kangju. Ngoài đôi bông tai vàng tinh xảo, chiếc gương đồng trong mộ cũng là một vật có giá trị lớn.
Từ kiểu dáng của nó – hình tròn, với thiết kế hình vòm 8 mặt ở mặt sau và một lỗ ở giữa để luồn sợi – chiếc gương đồng dường như có nguồn gốc từ nhà Hán của Trung Quốc (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên).
Những món đồ như vậy được đánh giá cao trên khắp lục địa Á-Âu. Những chiếc gương tương tự đã được tìm thấy ở Afghanistan và khu vực phía Nam dãy núi Ural, chỉ có những người rất giàu có mới có thể sở hữu.
Nguồn: https://nld.com.vn/phat-hien-kho-bau-2000-tuoi-tu-nen-van-hoa-bi-an-o-trung-a-196240602082336606.htm