(NLĐO) – Một vật thể lớn gấp 20 lần tiểu hành tinh từng khiến khủng long ở Trái Đất tuyệt chủng đã giáng xuống một thiên thể khác trong hệ Mặt Trời.
Một nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Naoyuki Hirata từ Đại học Kobe (Nhật Bản) đã xác định một hố thiên thạch từng có đường kính lên đến 1.400-1.600 km ở Ganymede, mặt trăng lớn nhất hệ Mặt Trời.
Ganymede là một trong các mặt trăng của Sao Mộc, được phát hiện bởi nhà bác học Galileo Galilei từ đầu thế kỷ XVII. Nó thậm chí còn lớn hơn Sao Thủy và mang nhiều đặc điểm thú vị.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã phân tích chi tiết bề mặt Ganymede dựa vào dữ liệu của NASA và nhận thấy các bất thường trên một số cấu trúc giống như rãnh kiến tạo trên Trái Đất.
Các rãnh là đặc điểm bề mặt lâu đời nhất được nhận biết trên Ganymede, có thể cung cấp một cửa sổ vào lịch sử ban đầu của mặt trăng này.
Người ta cho rằng những rãnh này được tạo nên bởi các vụ va chạm cổ xưa, trong đó hệ thống rãnh lớn nhất – Galileo-Marius- có thể là tàn tích của một vụ va chạm khổng lồ cổ đại, kéo dài theo hướng đồng tâm từ một điểm duy nhất của Ganymede.
Thông tin vừa công bố trên tạp chí Scientific Reports đã xác nhận điều đó, thậm chí còn tìm ra đoạn lịch sử thú vị về vụ va chạm này.
Các mô hình cho thấy ở nơi mà các rãnh xuất phát từng tồn tại một hố thiên thạch đường kính lên tới 1.400-1.600 km.
Để có được một hố va chạm lớn đến thế, tiểu hành tinh tấn công Ganymede phải có đường kính lên tới 300 km, tức lớn hơn 20 lần so với Chicxulub, là tiểu hành tinh đã gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long trên Trái Đất 66 triệu năm trước.
Vụ va chạm trên Ganymede cổ xưa hơn Chicxulub nhiều, lên tới 4 tỉ năm trước.
“Vụ va chạm lớn hẳn đã có tác động đáng kể đến quá trình tiến hóa ban đầu của Ganymede, nhưng những tác động về nhiệt và cấu trúc của vụ va chạm lên phần bên trong của Ganymede vẫn chưa được nghiên cứu” – TS Hirata diễn giải.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đào sâu về sự kiện thảm khốc này, với hy vọng hiểu rõ hơn về nguồn gốc và sự tiến hóa của Ganymede, một trong các thế giới từng để lộ dấu vết – dù khá mong manh – về khả năng sở hữu một đại dương ngầm có sự sống.
Nguồn: https://nld.com.vn/phat-hien-ho-thien-thach-lon-nhat-he-mat-troi-196240905112011109.htm