TPO – Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra bàn thờ và những phiến đá cẩm thạch khắc chữ chìm dưới nước dọc theo bờ biển Ý gần Naples. Đây có thể là tàn tích của một ngôi đền 2.000 năm tuổi do những người nhập cư từ Nabataea xây dựng, một vương quốc cổ đại trên Bán đảo Ả Rập có “Kho báu” được chạm khắc trên đá xuất hiện trong “Indiana Jones và Cuộc Thập tự chinh cuối cùng”.
TPO – Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra bàn thờ và những phiến đá cẩm thạch khắc chữ chìm dưới nước dọc theo bờ biển Ý gần Naples. Đây có thể là tàn tích của một ngôi đền 2.000 năm tuổi do những người nhập cư từ Nabataea xây dựng, một vương quốc cổ đại trên Bán đảo Ả Rập có “Kho báu” được chạm khắc trên đá xuất hiện trong “Indiana Jones và Cuộc Thập tự chinh cuối cùng”.
Khu nhà kho cổ đại chìm dưới nước dọc bờ biển Pozzuoli. (Ảnh: M. Stefanile) |
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Antiquity, ngôi đền tinh xảo này sau đó đã bị chôn vùi cùng với hỗn hợp bê tông và đồ gốm vỡ, có thể là do các thương nhân nước ngoài rời khỏi khu vực này.
Ngôi đền nằm ngoài khơi bờ biển Pozzuoli, một thị trấn ở Campi Flegrei, cách Naples khoảng 16 km về phía đông. Vào thời La Mã, thành phố được gọi là Puteoli và là một bến cảng lớn, nơi tàu thuyền từ khắp thế giới La Mã neo đậu để mang hàng hóa thương mại như ngũ cốc.
Hoạt động núi lửa trong nhiều thế kỷ đã làm thay đổi đáng kể đường bờ biển tại Pozzuoli, nhấn chìm và bảo tồn khoảng 2 km nhà kho thời La Mã và các tòa nhà khác liên quan đến khu cảng cổ đại. Các hiện vật được thu hồi từ biển từ thế kỷ 18 cho thấy có một ngôi đền bị chôn vùi, nhưng không ai biết chính xác ở đâu.
Vào năm 2023, các nhà nghiên cứu lập bản đồ đáy biển của khu vực đã phát hiện ra hai căn phòng chìm có tường theo phong cách La Mã. Những bức tường này, có kích thước khoảng 10 x 5 m, tạo thành hai căn phòng lớn. Hai bàn thờ bằng đá cẩm thạch trắng dựa vào tường của một căn phòng.
Cả hai bàn thờ đều có một số hốc hình chữ nhật, có thể trước đây là nơi chứa những viên đá thiêng. Mỗi phòng cũng chứa một phiến đá cẩm thạch có khắc chữ Latinh “Dusari sacrum”, có nghĩa là “dành riêng cho Dushara”, vị thần chính trong tôn giáo Nabataean cổ đại.
Nhà khảo cổ học Stefanile cho biết: “Có vẻ như chúng ta có một tòa nhà dành riêng cho các vị thần Nabataean, nhưng theo kiến trúc La Mã và chữ khắc tiếng Latin”.
Vương quốc Nabataean trải dài từ phía bắc Ả Rập đến phía đông Địa Trung Hải. Vào thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, người Nabataean kiểm soát một mạng lưới thương mại ngày càng phát triển về hàng xa xỉ như hương, vàng , ngà voi và nước hoa, tích lũy được khối tài sản khổng lồ vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Ngôi mộ khổng lồ thường được gọi là Kho bạc tại thủ đô Petra của người Nabataean được xây dựng vào khoảng thời gian đó.
Sau khi Nabataea được sáp nhập vào Đế chế La Mã vào năm 106 sau Công nguyên, quyền kiểm soát của nền văn hóa này đối với hoạt động buôn bán đoàn lữ hành nội địa ở Ả Rập đã sụp đổ. Việc phá hủy ngôi đền ở Puteoli có thể phản ánh thời kỳ hỗn loạn đó.
Nguồn: https://tienphong.vn/phat-hien-den-co-2000-nam-gan-bo-bien-nuoc-y-post1685764.tpo