Sau hai đợt khai quật tại một số điểm trong khu phố cổ Hội An, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam và Nhật Bản đã phát hiện những dấu tích của đô thị cổ Hội An thế kỷ 17.
Các nhà khoa học đã phát hiện sâu dưới lòng đất là một lớp gốm sứ thế kỷ 17 với mật độ dày đặc, trong đó có gốm sứ Hizen – Nhật Bản thuộc nửa đầu thế kỷ 17 cùng một số đồ sành sứ của Trung Quốc và Việt Nam thuộc thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích kiến trúc gỗ, cống thoát nước bằng gạch và đường lát đá tại khu vực phía Đông Chùa Cầu. Theo nhận định ban đầu, đây có thể là vết tích của cây cầu gỗ trước đây đã bị hư hại do hỏa hoạn, sau này các lớp cư dân Nhật, Hoa, Việt xây dựng cây cầu mới, trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đã trở thành Chùa Cầu như hiện nay.
Các đợt khai quật cũng làm xuất lộ nhiều dấu tích cư trú, kiến trúc và di vật quan trọng, trong đó có các kiến trúc gạch đã bị đổ nát và dấu tích bếp lò của một móng nhà vào khoảng thế kỷ 17 đã bị phù sa bồi lấp theo thời gian. Theo nhận định ban đầu, dấu tích để lại cho thấy một thương cảng Hội An từ thế kỷ 17 đến 18 rất sầm uất, tập trung nhiều thương nhân đến từ Nhật Bản và Trung Quốc.
Các nhà khoa học đều khẳng định tầng văn hóa trong lòng đất Hội An còn rất dày, cần phải nghiên cứu, khám phá để tìm hiểu sâu hơn về quá trình hình thành đô thị cổ và thương cảng Hội An xưa. Những phát hiện này sẽ mở ra một thời kỳ mới, một hướng đi mới cho giới nghiên cứu về Hội An.
Những hiện vật được tìm thấy đang được bảo quản kỹ lưỡng và sẽ được các chuyên gia khảo cổ nghiên cứu kỹ trong thời gian tới. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, cho biết sắp tới Trung tâm sẽ phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tiến hành xin phép khai quật tại ngôi nhà số 16 Nguyễn Thị Minh Khai – một trong những địa điểm xuất lộ các hiện vật và di tích trên – để làm bảo tàng ngoài trời phục vụ khách tham quan.
Nguồn: https://tuoitre.vn/phat-hien-dau-tich-do-thi-co-tai-hoi-an-the-ky-17-189909.htm