Nghiên cứu mới, được công bố trên tập san học thuật journal Diabetes & Metabolism, đã cho thấy áp dụng chế độ ăn dựa trên thực vật có thể là chiến lược tốt nhất cho những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Theo đó, chế độ ăn dựa trên thực vật có khả năng ngăn ngừa đến 24% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo tạp chí nghiên cứu Study Finds.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Vienna (Áo), bao gồm 113.097 người trong độ tuổi từ 40 đến 69 tham gia.
Trong quá trình theo dõi 12 năm, đã có 2.628 người mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả đã phát hiện những người ăn nhiều thực vật nhất (gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt) đã giảm đến 24% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đặc biệt, cả những người có tiền sử gia đình bị tiểu đường hoặc người có nguy cơ cao như người béo phì, người lớn tuổi hoặc thiếu hoạt động thể chất, cũng giảm đáng kể nguy cơ nếu áp dụng chế độ ăn thực vật. Đây là một phát hiện quan trọng, nêu bật sức mạnh của chế độ ăn trong việc quản lý rủi ro sức khỏe.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng không chỉ là giảm tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật mà còn hạn chế thực phẩm chế biến công nghiệp và có nhiều đường, nước ngọt và ngũ cốc tinh chế.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Tilman Kühn, giáo sư về dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng tại Đại học Y Vienna, cho biết: Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật có thể cải thiện chức năng gan và thận và từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Study Finds.
Giáo sư Kühn cho biết: Nghiên cứu này đưa ra một quan điểm mới về phòng ngừa bệnh tiểu đường. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn chế độ ăn uống, đặc biệt là việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật, trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.