Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa sinh lý và phát triển các bệnh lý khác nhau. Thành phần và sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến quá trình chuyển hóa đường, chất béo và tình trạng viêm.
Chính vì vậy, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học muốn tìm hiểu liệu điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách bổ sung chất xơ dưới dạng tinh bột kháng có thể giúp kháng insulin và giảm cân hay không, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị tiềm năng cho các rối loạn chuyển hóa.
Rối loạn chuyển hóa là tập hợp các yếu tố nguy cơ bao gồm huyết áp cao, mỡ bụng, mức đường huyết và cholesterol cao – xảy ra đồng thời trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc đột quỵ.
Các nghiên cứu trên mô hình chuột đã cho thấy ăn chế độ ăn với carbohydrate chủ yếu là tinh bột kháng giúp giảm mỡ cơ thể và cải thiện trao đổi chất.
Giờ đây, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm trọng điểm về bệnh tiểu đường Thượng Hải, Viện Tiểu đường Thượng Hải, Trung tâm lâm sàng về Bệnh tiểu đường Thượng Hải, Trường Y Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) muốn nghiên cứu xem bổ sung tinh bột kháng vào chế độ ăn của người thừa cân có tác động tích cực đến béo phì và quá trình trao đổi chất hay không.
Thử nghiệm mới kéo dài 8 tuần, bao gồm 37 người thừa cân, được chia thành 2 nhóm: Nhóm bổ sung tinh bột kháng với liều lượng tổng cộng 40 gram một ngày, trước bữa ăn – với hàm lượng men amyloza cao và nhóm đối chứng chỉ được nhận men amyloza mà không có tinh bột kháng.
Kết quả đã phát hiện ra rằng nhóm bổ sung tinh bột kháng giúp giảm cân trung bình khoảng 2,8 kg và cải thiện tình trạng kháng insulin, theo trang tin y tế News Medical.
Nghiên cứu cũng cho thấy sở dĩ tinh bột kháng mang lại lợi ích đặc biệt này là nhờ nó làm thay đổi thành phần hệ vi sinh vật đường ruột. Nó giúp cải thiện mức vi khuẩn Bifidobacteria adolescentis trong đường ruột.
Từ đó, nó tác động đến quá trình chuyển hóa lipid và chất béo bằng cách giảm viêm, phục hồi hàng rào ruột và thay đổi thành phần axit mật.
Các axit mật thứ cấp rất quan trọng trong việc cải thiện độ nhạy insulin và bệnh gan nhiễm mỡ.
Thực phẩm chứa nhiều tinh bột kháng
Tinh bột kháng không bị phân hủy bởi các men amylase do cơ thể tiết ra. Trong quá trình tiêu hóa, tinh bột kháng không bị phân hủy trong dạ dày hoặc ruột non mà di chuyển vào ruột già hoặc đại tràng để hệ vi sinh vật đường ruột lên men chất xơ này.
Chuối xanh là thực phẩm có hàm lượng tinh bột kháng cao nhất.
Ngoài ra, tinh bột kháng cũng có trong yến mạch nấu chín để nguội, cơm nguội, các loại đậu, khoai tây và khoai lang nấu chín, theo trang tin sức khỏe Healthline.