Theo nghiên cứu được công bố hôm 12/8 trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, dữ liệu từ tàu đổ bộ InSight của NASA đã tiết lộ bằng chứng về một hồ chứa nước ngầm sâu bên dưới bề mặt Sao Hỏa. Con tàu sử dụng máy đo địa chấn để nghiên cứu bên trong Sao Hỏa từ năm 2018 đến năm 2022.
Theo nhóm nhà khoa học, dưới các vết nứt nhỏ và lỗ rỗng đá giữa lớp vỏ Sao Hỏa, có thể tồn tại lượng nước đủ lớn để lấp đầy các đại dương trên bề mặt hành tinh này. Nghiên cứu phát hiện ra rằng nước ngầm có thể bao phủ toàn bộ Sao Hỏa ở độ sâu 1,6 km.
Tuy nhiên nếu cố gắng tiếp cận nguồn nước này, các phi hành gia tương lai khám phá Sao Hỏa sẽ gặp phải rất nhiều thách thức vì nó nằm ở độ sâu từ 11,5 đến 20 km bên dưới bề mặt hành tinh.
Phát hiện này hé lộ những chi tiết mới về lịch sử địa chất của Sao Hỏa, đồng thời gợi ý một địa điểm mới để tìm kiếm sự sống trên hành tinh đỏ nếu có thể tiếp cận được nguồn nước.
Cuộc tìm kiếm nước ‘mất tích’ trên Sao Hỏa
Qua các bằng chứng về hồ, kênh sông, đồng bằng châu thổ và đá cổ đại bị nước biến đổi, có thể nói Sao Hỏa là một nơi ấm hơn, ẩm ướt hơn vào hàng tỷ năm trước. Nhưng hành tinh đỏ đã mất bầu khí quyển của nó hơn 3 tỷ năm trước, về cơ bản đã chấm dứt thời kỳ ẩm ướt trên Sao Hỏa.
Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn lý do Sao Hỏa lại mất bầu khí quyển. Vô số nhiệm vụ đã được phát triển để tìm hiểu về lịch sử của nước trên hành tinh này, nước đã đi đâu và liệu nước có bao giờ tạo ra điều kiện sống cho sự sống trên Sao Hỏa hay không.
Dù nước vẫn bị mắc kẹt dưới dạng băng ở các chỏm băng cực của hành tinh, song các nhà nghiên cứu không tin rằng điều đó có thể giải thích cho tất cả lượng nước “mất đi” của hành tinh này.
Những phát hiện mới cho thấy nước trên Sao Hỏa đã thấm xuống lớp vỏ Sao Hỏa. Máy đo địa chấn của tàu đổ bộ InSight đã phát hiện ra những trận động đất đầu tiên trên hành tinh, được gọi là marsquakes.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu này và đưa vào mô hình toán học về vật lý đá để lập bản đồ các mỏ dầu và tầng chứa nước ngầm. Kết quả cho thấy dữ liệu của InSight khớp nhất với lớp đá lửa hoặc đá núi lửa sâu chứa đầy nước dạng lỏng.
Còn nhiều thách thức để khai thác nguồn nước Sao Hỏa
Các tác giả viết trong nghiên cứu rằng nếu lớp vỏ Sao Hỏa tương tự nhau trên khắp hành tinh, thì có thể có nhiều nước hơn trong vùng giữa lớp vỏ, biến nó trở thành nơi có thể là nơi sinh sống được, giống như nước ngầm sâu trên Trái đất thích hợp cho sự sống của vi khuẩn.
Nhưng ngay cả việc khoan những lỗ sâu chỉ 1 km trên Trái đất cũng là một thách thức đòi hỏi năng lượng và cơ sở hạ tầng, do đó cần phải đưa một lượng lớn tài nguyên lên Sao Hỏa để khoan đến độ sâu như vậy.
Nhà khoa học hành tinh Alberto Fairén tại khoa thiên văn học của Đại học Cornell cho biết đây là lần đầu tiên dữ liệu từ một sứ mệnh Sao Hỏa xác nhận suy đoán nước lỏng tồn tại sâu bên dưới bề mặt hành tinh nảy. Ông nói nguồn nước này có thể là “một loại bùn sâu dưới lòng đất”.
Các nhà khoa học bày tỏ sự quan tâm đến khả năng gửi nhiều máy đo địa chấn hơn đến Sao Hỏa, Mặt trăng và các hành tinh khác trong hệ mặt trời trong tương lai. Trong khi một máy đo địa chấn của InSight thu thập dữ liệu quan trọng, việc phân tán chúng trên khắp Sao Hỏa sẽ tiết lộ những biến thể bên trong hành tinh này và cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử đa dạng và phức tạp của nó.
Hoài Phương (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/phat-hien-bang-chung-ve-ho-chua-nuoc-ngam-khong-lo-tren-sao-hoa-post307484.html