* Triết lý Phật giáo về môi trường
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lưu Quý Khương và cộng sự đã chỉ ra 2 cơ sở lý luận mà Phật giáo hướng con người sống gần gũi, yêu quý thiên nhiên, phù hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay. Hai cơ sở lý luận đó là thuyết Duyên khởi và Mọi chúng sinh đều bình đẳng.
Thuyết Duyên khởi của Phật giáo cho rằng “Bản chất của các hiện tượng đều có nhân duyên (các điều kiện) của nó. Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên tùy vào những điều kiện nhân duyên mà sinh khởi, tồn tại, biến hóa và tiêu diệt mà không phụ thuộc vào ý thức con người. Môi trường tự nhiên chính là nền tảng của mọi tồn tại”. Trong phẩm Bồ đề thuộc kinh Tiểu bộ, Đức Phật nói: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt”.
Thuyết “Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật” cho rằng, không chỉ con người, động vật mà ngay cả cỏ cây, gạch đá cũng có Phật tính. Với tư tưởng này, Phật giáo khẳng định tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Và thế giới này không được tạo ra để cho riêng loài người thụ hưởng lợi ích. Không có loài nào sinh ra để phục vụ cho loài khác mà chỉ là do bản năng sinh tồn mà có sự “ăn” lẫn nhau.
Trên cơ sở triết lý trên, Phật giáo đã thực hành một số hoạt động bảo vệ môi trường. Đầu tiên là bảo vệ mạng sống sinh vật. Vì thấu rõ mối tương quan chặt chẽ của muôn loài trên Trái Đất này, Đức Phật đã dạy phải bảo vệ sự sống của muôn loài, không được hủy diệt bất cứ loài nào. Đức Phật khuyên những người Phật tử giữ gìn năm giới, trong đó giới sát sinh là giới đầu tiên. Không chỉ ngừng hành động sát hại động vật khác mà còn thực hiện phóng sinh (thả chim, cá,… bị bắt về lại môi trường tự nhiên).
Vào thời của Đức Phật, bảo vệ môi trường chưa trở thành vấn đề như ngày nay, thế nhưng với sự thông tuệ và lòng từ bi, Ngài đã hướng dẫn con người thực thi nếp sống hài hòa với thiên nhiên. Ngài luôn ca ngợi và xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo.
Theo quan điểm Phật giáo, sự hủy hoại môi sinh, ô nhiễm môi trường là hậu quả của sự tham lam, muốn hưởng lợi bằng cách khai thác thiên nhiên quá mức. Vì vậy, để tiết chế những ham muốn không cần thiết, trong Đại Tạng kinh, Trung bộ II, Đức Phật đã thực hiện và khuyên dạy 5 pháp khiến cho chúng đệ tử phải tôn trọng và nương vào để tu tập. Năm pháp ấy là: “Ăn ít, biết đủ loại y; Biết đủ món ăn; Biết đủ với bất cứ sàng tọa; Sống viễn ly”. Cũng có nghĩa là Đức Phật dạy chúng đệ tử pháp “thiểu dục và tri túc”, để không hại mình mà còn lợi ích cho chúng sinh.
Đức Phật có rất nhiều lời dạy liên quan đến việc trồng cây bảo vệ môi trường. Trong kinh Tăng chi bộ, Ngài dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn Trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cảmọi người và cho cả bản thân ta”. Hoặc trong một đoạn kinh khác dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”.
* Phật giáo Đà Nẵng tích cực bảo vệ môi trường
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát một số hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng tôn giáo ở Đà Nẵng và xác định một số điểm nhấn, đặc biệt khi thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020.
Theo ghi nhận, nhiều ngôi chùa của thành phố hiện nay còn giữ được cảnh quan thiên nhiên như chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, chùa Quán Thế Âm…
Ngũ Hành Sơn là nơi danh lam thắng cảnh, trong hiện tại được xếp vào di tích quốc gia cấp đặc biệt. Từ ngàn xưa, các chùa hình thành trên Ngũ Hành Sơn rất nhiều, hòa quyện với thiên nhiên – cảnh trí đặc thù của Ngũ Hành Sơn… Và hiện nay phát triển du lịch rất mạnh cho nên chính quyền phối hợp với Mặt trận cùng với chùa luôn luôn ý thức vấn đề bảo vệ môi trường. Chùa luôn luôn tạo cảnh quan cây xanh, hoa, cây ăn trái, và phóng sinh những loài chim để cho nó ở trên núi cho có tiếng hót với thiên nhiên
Tại chùa Linh Ứng, hằng năm, chùa có kí kết với Hạt kiểm lâm cam kết không để cháy rừng quanh khu vực của chùa. Chùa cũng khuyên Phật tử không được đốt vàng mã và không nên thắp hương nhiều tránh gây cháy rừng. Trong khuôn viên chùa có những bảng khuyến cáo không được xả rác bừa bãi.
Không chỉ riêng chùa Linh Ứng – Bãi Bụt mà các tự viện Phật giáo khác trong thành phố, cũng vận động Phật tử hạn chế việc đốt hương, đèn, vàng mã, đồng thời thường xuyên dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên cơ sở và các khu vực lân cận nơi thờ tự. Chùa Bàu Sen, quận Cẩm Lệ, đã tổ chức mô hình “Đạo hữu Chùa Bàu Sen vì môi trường xanh – sạch – đẹp”.
Theo nhóm nghiên cứu, Đức Phật là một nhà tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái của trái đất. Sống theo Đức Phật là sống tỉnh giác và sống yêu thương muôn loài, yêu thiên nhiên, môi trường. Những người con Phật đã áp dụng những lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày tạo nên nếp sống lành mạnh và thân thiện với môi trường.
Nhóm đã tiến hành khảo sát về những hoạt động bảo vệ môi trường của các Phật tử đã làm theo giáo lý nhà Phật. Trong đó, phổ biến nhất là bảo vệ mạng sống của các loài động vật lớn với 53 lựợt chọn (84%). Tiếp theo là sống hài hòa với thiên nhiên và trồng cây xanh lần lượt là 81% và 79%. Đứng thứ 3 là ăn chay ít nhất 2 ngày/tháng hoặc trường chay với 47 lượt chọn (75%). Những lựa chọn khác lần lượt là tri túc thiểu dục (67%), tham gia dọn dẹp vệ sinh nơi cư trú vào mỗi sáng Chủ nhật (62%) và tham gia thu gom rác thải ở bãi biển (48%).
Qua phân tích hình trên, có thể thấy đa số Phật tử ý thức việc bảo vệ môi trường và hình thành một lối sống thân thiện với môi trường.
Để những giá trị đạo đức Phật giáo đến được người dân nói chung và Phật tử nói riêng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Đà Nẵng đã chú trọng đến công tác tuyên truyền để những lời dạy của Đức Phật được các hàng đệ tử thấu hiểu mà hành động theo thông qua hình thức cổ truyền (truyền miệng, sách, báo…) lẫn hình thức hiện đại (internet…).
Ngày nay, truyền thông kỹ thuật số là một phương pháp hữu hiệu. Do đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Đà Nẵng đã xây dựng cổng thông tin điện tử cùng fanpage Facebook do Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Đà Nẵng đảm trách. Bảo vệ môi trường cũng là một trong những nội dung được đề cập đến trong hai công cụ này.
Bên cạnh đó, các chùa còn tổ chức các khóa tu để hướng dẫn Phật tử tu tập, sinh hoạt theo giáo lý cũng như giới luật của Phật giáo, đúng với tinh thần nhập thế mà đức Phật muốn truyền tải. Trong các buổi thuyết pháp các vị Giảng sư đều đề cập đến các vấn đề ngũ giới, ăn chay, nhân quả, nghiệp báo, từ-bi-hỷ-xả (tứ vô lượng tâm) … những vấn đề gần gũi mà bất kì người nào đều có thể nghe, hiểu và làm theo được. Đó là thế mạnh của nền giáo dục Phật giáo Việt Nam nói chung.