Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế.
Việt Nam là một trong số các nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết: không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây, mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về Gạo Việt. Trong đó, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Ông Lê Minh Hoan nhấn mạn ba chữ “biến” ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Bên cạnh đó, phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.
Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình” – Bộ trường Bộ NN&PTNT khẳng định.
Chính từ bối cảnh ấy, Đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành. Mục tiêu nhằm hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án tập trung thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo… Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Từ những chính sách mới và đột phát đó, Đề án hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa – là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định cam kết đồng hành với Bộ NN-PTNT xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao. Đề án sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân và cho nền nông nghiệp của Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân. WB cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng nhận được các kết quả giảm phát thải từ dự án trồng lúa VnSAT nhằm huy động tài chính các bon. Trong dài hạn, đây có thể là một nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển nông nghiệp và tạo thêm thu nhập cho nông dân.
Tiến sĩ Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) chia sẻ: Dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL tới năm 2030 sẽ giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam nói riêng. Đó là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Với vai trò tư vấn kỹ thuật quốc tế cho Dự án, thời gian qua, IRRI đã phối hợp cùng các nhà khoa học nghiên cứu cải tiến các quy trình canh tác, cải tiến công cụ phục vụ canh tác lúa, đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Gần đây nhất đã phối hợp nghiên cứu các quy trình canh tác lúa, xử lý rơm rạ giảm phát thải khí nhà kính, các kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính từ ruộng lúa để tạo điều kiện thương mại hóa các sản phẩm lúa gạo và tín chỉ các bon được tạo ra. Trong thời gian tới, IRRI sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; kỹ thuật giám sát và đo lường phát thải khí nhà kính; đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan cũng như đào tạo cán bộ và nông dân.
Tại Lễ phát động cũng đã diễn ra các hoạt động trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm tại ấp 4, xã Vị Trung (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).
Lễ phát động nằm trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, diễn ra từ ngày 11-14/12/2023 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Với chủ đề “Gạo xanh – sống an lành”, hàng loạt các sự kiện diễn ra tại Fesstival này sẽ xoay quanh các nội dung nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng thu nhập cho người dân và nâng tầm vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam trên thế giới.
Tại Festival cũng sẽ xác lập ba kỷ lục Việt Nam, đó là: Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất; Mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất và Sự kiện chế biến, công diễn các món bánh làm từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam (200 món).