Ngày 17/11, Nga đã tiến hành một đợt không kích được đánh giá là một trong những cuộc tấn công quy mô lớn nhất kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bắt đầu hồi tháng 2/2022.
DTEK là nhà sản xuất điện lớn nhất của Ukraine, đang nỗ lực sửa chữa các cơ sở bị hư hại của mình. (Nguồn: Newsbase) |
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã phóng 120 tên lửa và 90 máy bay không người lái (UAV) vào quốc gia Đông Âu, trong đó 140 mục tiêu đã bị bắn hạ.
Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha cho rằng đợt tấn công này là “phản ứng thực sự” của Nga đối với các nhà lãnh đạo phương Tây, đặc biệt sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15/11 – cuộc đối thoại đầu tiên của ông Putin với một lãnh đạo phương Tây lớn trong gần hai năm.
Cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với nhiều thách thức: mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần, lực lượng quân đội đang dần lép vế trước Nga và viện trợ từ phương Tây có nguy cơ bị ảnh hưởng sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cuộc tấn công trên đã phá hủy một nửa công suất sản xuất điện của Ukraine.
Công ty điện lực DTEK đã phải thực hiện cắt điện khẩn cấp tại thủ đô Kiev và các khu vực Donetsk, Dnipropetrovsk ở miền Đông. Tình trạng mất điện cũng xảy ra tại thành phố cảng Odessa ở miền Nam và các vùng Vinnytsia, Rivne, Volhynia và Zaporizhzhia.
Theo giới chức Ukraine, trong ngày 18/11, nước này sẽ áp dụng “biện pháp hạn chế” đối với việc sử dụng điện ở tất cả các khu vực
Trong khi đó, nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo cho biết, việc cắt điện tạm thời sẽ kéo dài từ 6h00-22h00 (giờ địa phương) và các công nhân đang khắc phục thiệt hại nhanh nhất có thể.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong 24 giờ qua, Lực lượng vũ trang nước này đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của các sân bay quân sự và cơ sở sản xuất khí đốt được sử dụng để vận hành ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Liên quan triển vọng kết thúc xung đột, mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, điều này sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán.
Theo ông, Mỹ mong muốn đảm bảo Ukraine ở vị thế tốt nhất để bảo vệ lợi ích, song trong tương lai, vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.
Tuy nhiên, Đại sứ Đức tại Nga Alexander Graf Lambsdorff cho rằng, chưa đến lúc để đàm phán với Nga về hòa bình tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh châu Âu sẽ đóng vai trò trong việc giải quyết cuộc xung đột.
Nguồn: https://baoquocte.vn/phat-dong-chien-dich-lon-vao-ukraine-nga-dang-phan-ung-thuc-su-voi-phuong-tay-duc-noi-chua-den-luc-dam-phan-294135.html