Xem clip bài phát biểu gây xúc động của Cao Văn Vinh:
Nguồn clip: ctump.edu.vn
“Ba mẹ không nhiều tiền thì đã sao”
Giữa tháng 7 này, Cao Văn Vinh (quê Bến Tre, lớp trưởng lớp YM khóa 44) chính thức ra trường với tấm bằng bác sĩ loại giỏi của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Tại lễ tốt nghiệp, Cao Văn Vinh đại diện cho các tân bác sĩ phát biểu trước nhiều sinh viên và phụ huynh.
“Giây phút này đây là lúc chúng ta cùng nhớ về những ngày đầu tiên chập chững bước vào đại học – một cột mốc vô cùng quan trọng của cuộc đời. Chúng ta đều nhận ra rằng đại học là một môi trường rèn giũa để đi đến cánh cổng của sự trưởng thành nên sẽ không có chỗ cho sự nhàn nhã, mà chúng ta phải thật sự nghiêm túc và nỗ lực từ những ngày đầu tiên.
Khó khăn và thử thách rất nhiều, nhưng chính nhờ những khó khăn đó mà chúng ta lớn lên từng ngày. Để đến hôm nay, thứ quan trọng nhất chúng ta có được trong tay không chỉ là tấm bằng đại học mà còn là đạo đức, thái độ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm – những yếu tố giúp trở thành những công dân tốt, một thầy thuốc giỏi” – Cao Văn Vinh bày tỏ.
Vinh xúc động nhắc tới đấng sinh thành: “Cảm ơn ba mẹ vì sự hy sinh thầm lặng để chúng con được toàn tâm toàn ý học hành, có cơ hội viết tiếp những trang mới trên hành trình đại học bất chấp những khó khăn, trở ngại. Con luôn tự hào vì có ba mẹ luôn ở phía sau động viên, chia sẻ và giúp đỡ“.
Có những khoảnh khắc, Vinh không kìm được nước mắt: “Ba mẹ chân lội bùn nhưng con được học ở thành phố. Chiếc áo ba mẹ mặc lấm lem nhưng chiếc blouse con mặc phải thật đẹp, thật thơm tho. Ba mẹ sử dụng điện thoại mà hiện tại chúng ta hay gọi vui là chiếc điện thoại ‘cùi bắp’ để liên lạc với con, nhưng điện thoại con được xài là chiếc đẹp nhất với túi tiền của ba mẹ…
Ba mẹ ít học thì đã sao? Ba mẹ không nhiều tiền thì đã sao? Hay cái cách mà người ta nói về ba mẹ là những người nhà quê, ăn nói không biết khéo léo…, những điều đó không quan trọng với con. Ba mẹ vẫn thật phi thường trong mắt của con”.
Nói đến đây, Vinh nghẹn ngào dừng lời. Sau tràng pháo tay của cả hội trường, cậu mới có thể tiếp tục những lời tri ân phụ huynh và thầy cô.
“Ba mẹ hãy cứ yên tâm, chúng con đã trưởng thành, sẽ bước vào đời, bước vào hành trình mới hướng đến tương lai. Chúng con sẽ nỗ lực để ba mẹ không phải bận lòng”.
Vừa mưu sinh vừa học thành bác sĩ
Cao Văn Vinh là con trai lớn trong gia đình có 2 anh em. Quê của chàng trai này ở xứ biển Thạnh Phú (Bến Tre). Cha mẹ của cậu trồng lúa, nuôi tôm và đánh bắt hải sản trên biển gần bờ nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Nhà ở giữa cánh đồng lúa, con đường Vinh đi học ngày trước đầy bùn lầy vào mùa mưa. Khi cậu học tiểu học, mỗi sáng cha phải cõng qua những đoạn đường đất để đến trường.
Lên THCS và THPT, mùa nắng thì đỡ cực, nhưng đến mùa mưa, mỗi ngày đi học Vinh phải vượt qua 3km đường đầy bùn đất để đến nơi gửi xe đạp.
Từ điểm này, Vinh phải đạp xe hoặc đi xe buýt thêm 7km mới đến được Trường THPT Lê Hoài Đôn. Trong ký ức, Vinh vẫn còn nhớ như in những hôm trượt té, phải mặc quần áo dính bùn đất vào lớp.
Gia cảnh khó khăn nên ngoài giờ học, Vinh phụ giúp cha mẹ nhiều công việc, nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ học. Với cậu, chỉ có học mới hy vọng thoát nghèo và đền đáp cho cha mẹ.
Vinh đạt nhiều thành tích tốt trong học tập, và năm 2018 trúng tuyển vào ngành Y Đa khoa – Trường ĐH Y dược Cần Thơ.
“Hôm biết tin đậu đại học, em không biết nên vui hay buồn. Vui vì đã đậu vào ngành yêu thích, nhưng lo không biết lấy tiền đâu để đóng học phí” – Vinh nhớ lại và chia sẻ khi đó từng có ý định bảo lưu để đi làm vì gia đình quá khó khăn.
Biết được hoàn cảnh của Vinh, thầy cô Trường THPT Lê Hoài Đôn đã kết nối với những mạnh thường quân để xin học bổng cho em. Và may mắn, Vinh được hỗ trợ học phí trong suốt 6 năm học vừa qua.
Những ngày đến TP Cần Thơ học tập, Vinh làm thêm ở quán cà phê, tự làm sữa bắp, nước ép… đem bán kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí. Có những hôm đi học về, cậu nấu sữa bắp đến 1-2 giờ sáng mới xong.
“May mắn là thời gian đó các bạn trong trường ủng hộ em rất nhiều. Mỗi ngày em bán được 20-30 chai sữa bắp và nước ép”- Vinh kể.
Lên năm thứ 4 đại học, Vinh xin làm quản lý cho một quán trà sữa để kiếm thêm thu nhập. Cậu cũng tham gia nhiều hoạt động phong trào của trường như viết bài truyền thông, thiết kế poster.
Làm thêm nhiều nhưng Vinh vẫn duy trì điểm số cao, được nhận xét là nhiệt tình, ham học hỏi. Đặc biệt, từ một năm nay, Vinh và nhóm bạn thường xuyên làm thiện quyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bài phát biểu xúc động của cụ ông 87 tuổi trúng tuyển thạc sĩ Trường ĐH Cần Thơ
Trường Đại học Cần Thơ và Đồng Tháp công bố điểm sàn năm 2024
Nguồn: https://vietnamnet.vn/phat-bieu-xuc-dong-cua-tan-bac-si-tung-nau-sua-bap-ban-lay-tien-2304182.html