Vấn đề quyền lao động và việc làm của người khuyết tật (NKT) được quy định tại Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD), Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT (sau đây gọi tắt là Công ước số 159) và nhiều văn bản pháp luật quốc tế khác như: Tuyên bố về quyền của NKT năm 1975; Những quy tắc bình đẳng về cơ hội của NKT năm 1993; Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau năm 1951; Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp năm 1958.
Công ước về quyền của người khuyết tật
Trong Công ước về quyền của NKT, quyền lao động và việc làm của NKT là quyền có cơ hội tự kiếm sống bằng hình thức lao động do người lao động chọn hoặc chấp nhận trên thị trường lao động và trong môi trường lao động mở, dễ tiếp cận đối với NKT.
Công ước quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ công nhận quyền lao động của NKT trên cơ sở bình đẳng với những người khác; bảo vệ và thúc đẩy việc biến quyền làm việc thành hiện thực, kể cả cho những người bị khuyết tật trong quá trình lao động, bằng cách tiến hành các bước thích hợp, bao gồm việc thông qua các biện pháp lập pháp, nhằm một số mục đích sau:
– Cấm phân biệt trên cơ sở sự khuyết tật trong mọi vấn đề liên quan đến việc làm, bao gồm điều kiện tuyển dụng, sự thuê mướn và tuyển dụng, tiếp tục được tuyển dụng, thăng tiến nghề nghiệp và điều kiện làm việc an toàn và bảo đảm sức khỏe;
– Bảo vệ quyền của NKT được có điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi trên cơ sở bình đẳng với những người khác, trong đó có cơ hội bình đẳng và được trả lương ngang nhau cho công việc có giá trị ngang nhau, điều kiện làm việc an toàn và bảo đảm sức khỏe, bao gồm việc được bảo vệ không bị quấy rối hay bị mắng nhiếc;
– Bảo đảm cho NKT có thể thực hiện quyền tham gia công đoàn, nghiệp đoàn trên cơ sở bình đẳng với những người khác;
– Tạo điều kiện cho NKT tiếp cận các chương trình kỹ thuật và hướng nghiệp chung, các dịch vụ việc làm, đào tạo nghề và đào tạo tiếp tục;
– Thúc đẩy cơ hội việc làm và thăng tiến nghề nghiệp cho NKT trên thị trường lao động, cũng như thúc đẩy hỗ trợ tìm kiếm việc làm, duy trì và quay trở lại làm việc;
– Thúc đẩy cơ hội tự làm việc, nhận thầu, phát triển hợp tác xã và khởi nghiệp;
– Tuyển dụng NKT trong lĩnh vực công;
– Thúc đẩy tuyển dụng NKT trong lĩnh vực tư, thông qua các biện pháp và chính sách thích hợp, trong đó có thể có các chương trình hành động mang tính chất động viên, khen thưởng và các biện pháp khác;
– Bảo đảm tạo điều kiện hợp lý cho NKT ở nơi làm việc;
– Tạo điều kiện cho NKT có kinh nghiệm làm việc trên thị trường lao động mở;
– Thúc đẩy các chương trình phục hồi nghề nghiệp, giữ gìn nghề nghiệp và quay trở lại làm việc cho NKT.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng NKT không phải làm nô dịch hoặc lao dịch, và được bảo vệ khỏi hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, trên cơ sở bình đẳng với những người khác. Trong đó, bảo đảm quyền lao động và việc làm của NKT là việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, xã hội nhằm tạo ra các điều kiện phù hợp để NKT có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ quyền lao động và việc làm của mình một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử.
Pháp luật Việt Nam về quyền lao động và việc làm của người khuyết tật
Thứ nhất, các quy định khẳng định chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật
Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều khẳng định NKT là công dân với đầy đủ quyền và nghĩa vụ như mọi công dân khác. Ngoài ra, NKT có quyền được xã hội trợ giúp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ, được tham gia tích cực vào các hoạt động của xã hội và đồng thời NKT được miễn trừ một số nghĩa vụ công dân.”.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 xác định chính sách của Nhà nước về lao động nói chung, trong đó quy định nguyên tắc bình đẳng và các chế độ, chính sách để bảo vệ người lao động thuộc các đối tượng cần được bảo vệ như lao động nữ, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên, và lao động là NKT.
Theo BLLĐ năm 2019, quyền lao động và việc làm của NKT không những được ghi nhận mà còn được Nhà nước bảo trợ và bảo đảm thực hiện. Bên cạnh đó, BLLĐ năm 2019 cũng quy định chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và sử dụng lao động là NKT.
Thứ hai, các quy định về điều kiện làm việc và chăm sóc sức khoẻ đối với lao động là người khuyết tật
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Người khuyết tật năm 2010, người sử dụng lao động phải bảo đảm điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và môi trường làm việc phù hợp với lao động là NKT.
Việc xác định nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng là một cách ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền của lao động là NKT. Những quy định trên thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động là NKT, phù hợp với quy định “bảo đảm sức khoẻ” và “Bảo đảm tạo điều kiện hợp lý cho NKT ở nơi làm việc” được xác định trong Công ước về quyền của NKT.
Thứ ba, các quy định cấm trong sử dụng lao động là người khuyết tật
Bộ luật Lao động năm 2012 nghiêm cấm việc sử dụng lao động là NKT làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm hay làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Quy định trên được đặt ra với mục đích bảo vệ lao động là NKT, nhưng lại chưa phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử trên tất cả các khía cạnh.
Thực tế cho thấy, quy định trên đã vô tình hạn chế khả năng tiếp cận việc làm của NKT. Khắc phục hạn chế đó, BLLD năm 2019 quy định, lao động là NKT có quyền quyết định làm thêm giờ, làm vào ban đêm hay làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó để lao động là NKT cân nhắc và quyết định.
Thứ tư, các quy định nhằm khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm, tạo việc làm và sử dụng lao động là người khuyết tật
Với mục đích thúc đẩy cơ hội việc làm cho NKT, BLLĐ năm 2019 quy định, “có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là NKT vào làm việc theo quy định của pháp luật về NKT”.
Cùng với quy định khuyến khích người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là NKT vào làm việc, pháp luật Việt Nam cũng có quy định nhằm thúc đẩy cơ hội tự tạo việc làm và thăng tiến nghề nghiệp cho lao động là NKT theo tinh thần của Công ước về quyền của NKT.
Trà Khánh