Thương vụ mua bán pháo tự hành CAESAR giữa Pháp và Armenia đã gây nên căng thẳng giữa quốc gia Kavkaz này với quốc gia nhiều duyên nợ Azerbaijan.
Pháp đã ký hợp đồng bán pháo tự hành CAESAR cho Armenia. (Nguồn: Pinterest) |
Ngày 18/6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, nước này đã ký hợp đồng bán pháo tự hành CAESAR cho Armenia, trong bối cảnh Yerevan tăng cường quan hệ quân sự với phương Tây và rời xa đồng minh truyền thống Nga.
Pháp vốn có cộng đồng lớn người Armenia sinh sống và theo truyền thống, là một trong những nước châu Âu ủng hộ Yerevan mạnh mẽ nhất.
Trước động thái này, hãng tin Reuters cho hay, ngày 19/6, Armenia và Azerbaijan – hai nước láng giềng tại khu vực Kavkaz đang nỗ lực hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định hòa bình sau 3 thập kỷ xung đột – ngày 19/6 đã công kích lẫn nhau.
Phát biểu với báo giới Azerbaijan, ông Hikmet Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Ilham Aliyev, nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá chính sách của Pháp đối với khu vực Nam Caucasus là vô hiệu. Đó là chính sách gây hại. Là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ đang được hàn gắn giữa Baku và Yerevan”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Armenia cho rằng, vấn đề mua bán vũ khí là “quyền chủ quyền của mọi quốc gia nhằm duy trì năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang thông qua việc trang bị các tài sản quân sự hiện đại”.
Tuyên bố của phía Armenia đã khiến Bộ Ngoại giao Azerbaijan đáp trả mạnh mẽ hơn, cáo buộc động thái của Yerevan là “bất hợp pháp và gây ra mối đe dọa đối với Baku”.
Những tháng gần đây, hai nước láng giềng ở khu vực Nam Kavkaz đã cố gắng đạt được tiến bộ trong tiến trình hướng tới hiệp định hòa bình, trong đó có vấn đề phân định biên giới.
Trong một phản ứng về thương vụ của Pháp-Azerbaijan, cũng trong ngày 19/6, hãng tin Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho rằng, động thái này sẽ không giúp ổn định tình hình trong khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích: “Paris đang kích động một đợt đối đầu vũ trang nữa ở Nam Kavkaz… Chính quyền Pháp không tuân theo lợi ích của Armenia”.
Bà Zakharova lập luận rằng, Pháp “tìm cách lợi dụng những bất đồng, mâu thuẫn hiện có giữa các quốc gia như một công cụ để đạt được các mục tiêu cơ hội của riêng mình”.
Armenia chính thức là đồng minh của Nga, nhưng trong những năm gần đây đã chuyển hướng ngoại giao và quân sự sang các nước phương Tây.
Armenia bắt đầu nhận viện trợ quân sự từ Pháp vào năm 2023. Lô xe bọc thép đầu tiên được chuyển giao qua Gruzia.
Vào cuối tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu xác nhận nước này có ý định bán ba hệ thống radar GM200 cho Armenia và ký với nhà sản xuất vũ khí MBDA để cung cấp hệ thống tên lửa phòng không di động Mistral (MANPADS). Pháp cũng sẽ cung cấp huấn luyện phòng không cho quân đội Armenia.
Nguồn: https://baoquocte.vn/phap-gan-kip-no-vao-no-luc-tien-toi-hoa-binh-giua-armenia-azerbaijan-baku-noi-gian-275632.html