Vào thời khắc giao thừa, khi đồng hồ điểm đúng 12 giờ đêm, chúng ta lại thấy vang lên tiếng pháo hoa nổ ngợp trời với muôn sắc màu rực rỡ, tráng lệ. Đây là một truyền thống được thực hiện lâu đời tại nhiều đất nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam với ý nghĩa tạm biệt năm cũ và cầu mong một năm mới may mắn, tràn ngập niềm vui đến với mọi nhà.
Những màn pháo hoa mãn nhãn mà chúng ta trầm trồ khi chiêm ngưỡng vào các dịp lễ Tết thực ra lại có cấu tạo khá đơn giản từ thuốc nổ, thuốc phóng cùng một vài loại phụ gia khác. Khi được bắn lên trời, nó sẽ tạo ra những cảnh tượng hết sức ngoạn mục và hoành tráng với nhiều màu sắc bắt mắt, hình dáng thú vị, sinh động. Theo các nhà sử học, pháo hoa đã được sáng chế từ hơn 2000 năm trước, khoảng thế kỉ 2 trước Công nguyên tại Trung Quốc cổ đại.
Thời đó, các quả pháo chỉ là những ống tre phát nổ tự nhiên nhờ túi khí rỗng có sẵn trong thân tre khi được ném vào lửa. Tuy đây chưa thực sự được gọi là pháo hoa nhưng nó chính là nguồn gốc nguyên thuỷ của những gì mà chúng ta biết đến vào ngày nay.
Đến những năm 600-900 sau Công nguyên, xuất hiện câu chuyện truyền miệng về một nhà giả kim người Hoa đã trộn kali nitrat, lưu huỳnh và than củi lại để tạo ra hỗn hợp bột màu đen đựng trong các thanh tre và khi gặp lửa, chúng sẽ nổ thành những tràng pháo hoa được coi là đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Vào thời đó, pháo bông được người Trung Quốc sử dụng trong các nghi lễ trừ tà, lễ hội tôn giáo hay năm mới bởi họ tin rằng nó có khả năng xua đuổi các linh hồn xấu xa và đem đến điềm lành cho các gia đình. Về sau, vào khoảng thế kỉ thứ 13, nó được du nhập vào các nước phương Tây nhờ những cuộc giao thương và thám hiểm từ châu Âu tới Trung Hoa. Sau đó, nó trở nên phổ biến khắp lục địa này vào thế kỉ 16. Đặc biệt, Anh chính là đất nước đã mang pháo hoa đến mọi thuộc địa của mình, góp phần giúp nó được biết đến rộng rãi hơn tại nhiều châu lục khác nhau. Nhưng nếu được chiêm ngưỡng pháo hoa vào thời đó, chúng ta sẽ nhận ra nó không hề rực rỡ một chút nào bởi mãi đến khoảng năm 1830, những nhà sáng chế người Ý mới tìm ra cách tạo nên những quả pháo nhiều màu sắc đẹp mắt như bây giờ.
Qua hơn 2000 năm lịch sử phát triển, các loại pháo bông hoa hiện nay đều được nâng cấp trở nên hoàn thiện hơn về mặt thẩm mỹ, độ đa dạng cho đến cả yếu tố an toàn. Chính bởi vậy nên nó đã trở thành một điều đặc sắc, không thể thiếu vào mỗi dịp giao thừa tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Một vài địa điểm được bình chọn là sở hữu màn đón năm mới mãn nhãn nhất có thể kể đến như Sydney – Úc, London – Anh, Singapore hay những năm gần đây dù không phải dịp năm mới, Festival pháo hoa ở thành phố Đà Nẵng Việt Nam cũng đang được thế giới biết đến. Tại Sydney, pháo hoa bùng nổ ngay tại vị trí nhà hát Opera nổi tiếng với hàng trăm chiếc pháo được bắn lên trời cùng lúc, liên tiếp nối nhau không ngừng tựa như một màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng.
Còn tại Singapore, việc tạm biệt năm cũ cũng không kém phần hoành tráng khi được diễn ra ngay tại Marina Bay. Pháo hoa được bắn lên từ nhiều địa điểm khác nhau quanh vịnh tạo nên một khung cảnh choáng ngợp cho người xem. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không có nơi ngắm pháo hoa nào tuyệt vời hơn là nơi có gia đình và người chúng ta yêu thương kế bên. Dù có đi khắp năm châu, bốn bể thì việc được quây quần, tụ họp bên gia đình, cùng ngắm những màn pháo bông hoa rực rỡ, trải qua khoảnh khắc chuyển giao năm thiêng liêng với người thân mới là cảnh tượng đẹp đẽ và đáng nhớ nhất.
Pháo hoa được nhiều quốc gia lựa chọn như một cách chào đón năm mới không chỉ bởi vẻ đẹp hoa lệ mà còn bởi những giá trị tinh thần quan trọng của con người mà nó chứa trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Những tràng pháo vang dội chính là lời thông báo rõng rạc dõng dạc nhất về sự kết thúc của một năm cũ và bầu không khí tích cực, tràn ngập sắc màu của nó sẽ mang theo những ước nguyện, hi vọng, niềm hân hoan, háo hức của chúng ta tiến đến một năm mới bình an, tràn đầy hạnh phúc.
Tạp chí Heritage