Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine sẽ không đủ để tạo ra bước ngoặt lớn khi Kiev phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và viện trợ vũ khí không phải là lời giải cho tất cả.
Binh sĩ Ukraine nhận lô hàng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ viện trợ. (Nguồn: AP) |
Ukraine còn “xa bờ”
Tờ the Economist ngày 24/4 đã ví von rằng “việc ném cho một người sắp đuối nước một chiếc áo phao có thể loại bỏ được mối nguy hiểm trước mắt. Nhưng nếu người đó còn cách xa bờ hàng dặm và trong làn nước lạnh giá, anh ta vẫn có thể gặp nguy hiểm”.
Đó là cách The Economist nói đến Ukraine sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một dự luật bị trì hoãn từ lâu vào ngày 24/4, trong đó sẽ phân bổ hỗ trợ tài chính và quân sự trị giá 61 tỷ USD để giúp Ukraine đối phó với Nga, cũng như cung cấp tiền cho Israel và Đài Loan (Trung Quốc).
Nếu khoản viện trợ này không được thông qua, Ukraine sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thêm lãnh thổ trong cuộc tấn công mới dự kiến vào vào đầu mùa Hè tới của Moscow. Mặc dù 61 tỷ USD sẽ giúp Ukraine tồn tại nhưng nước này vẫn còn “rất xa bờ”.
Tin vui cho Ukraine là gói viện trợ mới nhất của Mỹ sẽ sớm được triển khai ra tiền tuyến. Kể từ khi tiền bắt đầu cạn kiệt vào mùa Thu, tình trạng thiếu nguồn cung cấp quan trọng, đặc biệt là đạn pháo, đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Hỏa lực đạn pháo của Nga nhiều hơn Ukraine gấp 5 lần. Với đạn dược đã được dự trữ tại các căn cứ của Mỹ ở Ba Lan, hạn chế về hỏa lực của Ukraine giờ đây sẽ được tháo gỡ. Khi đạn pháo tới tay Ukraine, Nga sẽ đối mặt với nhiều mối nguy hiểm hơn khi tập trung quân và xe tăng cho các cuộc tấn công mới. Việc chuyển giao thiết bị bay không người lái (Drone) và tên lửa đánh chặn vốn rất cần thiết cho Ukraine sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng cuối cùng Nga sẽ không còn kiểm soát bầu trời nữa, đặc biệt là ở tiền tuyến.
Thực tế đáng lo ngại
Tuy nhiên, theo the Economist tin tốt này không đủ để giảm bớt một số thực tế đáng lo ngại.
Thứ nhất, mặc dù gói viện trợ mới sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine nhưng nó không đủ để giúp nước này giành lại lãnh thổ, hiện chiếm khoảng 18% diện tích đất đai của Ukraine. Bài học từ cuộc phản công thất bại vào mùa Hè năm ngoái khiến Ukraine phải trả giá đắt về nhân lực và vật lực.
Thứ hai, cuộc chiến tại Quốc hội Mỹ để dự luật được thông qua là dấu hiệu của những rắc rối phía trước. Con số 61 tỷ USD gần bằng số tiền Mỹ chi cho Ukraine trong khoảng 20 tháng đầu của cuộc chiến, sau đó nguồn tài trợ của nước này cạn kiệt. Do đó, khoản tiền mới có thể được sử dụng hết vào cuối năm 2025. Ngay cả khi số tiền này còn dư cũng chưa chắc được sử dụng nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Trong trường hợp ông Biden vẫn là Tổng thống, cuộc chiến vừa diễn ra tại Quốc hội có thể sẽ tái diễn một lần nữa vào năm tới. Gói viện trợ mới nhất của Mỹ có thể là gói cuối cùng.
Đúng ra, mục tiêu của phương Tây là một Ukraine ổn định, an toàn và thịnh vượng nằm trong các biên giới có thể phòng thủ được và tiến tới trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo the Economist, những vấn đề liên quan tới ủng hộ Ukraine trong nội bộ nước Mỹ có nghĩa là các nhà lãnh đạo châu Âu nhận thấy rằng họ sẽ phải gánh thêm trách nhiệm để thực hiện mục tiêu trên và sẽ cần một ngành công nghiệp quốc phòng lớn hơn.
Mặc dù châu Âu là nhà viện trợ tài chính và nhân đạo lớn nhất cho Ukraine, nhưng về mặt hỗ trợ quân sự, chi tiêu của châu Âu và Mỹ gần như ngang nhau. Nhờ có viện trợ của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu có nhiều thời gian hơn để tìm ra cách giúp Ukraine giành chiến thắng. Quy mô của nhiệm vụ này đồng nghĩa công việc của họ cũng không kém phần cấp bách.