Tác phẩm do phóng viên Bông Mai cùng đồng nghiệp dày công thực hiện, được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII – năm 2022 trao giải B.
Cơ hội trưởng thành hơn trong nghề
Là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, TP.HCM có đến 10 triệu dân đang sinh sống, học tập và làm việc. Trên thực tế, với những lo lắng về chất lượng an toàn thực phẩm, nhiều người dân sẵn sàng trả giá cao gấp 3-4 lần so với giá mua ở chợ cho các loại rau mang nhãn mác “an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” được trưng bày đẹp mắt ở nhiều cửa hàng, siêu thị…
Song, thông tin có gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối của thành phố có dư lượng hóa chất được Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra khiến nhiều người không khỏi choáng váng. Trước vấn đề đó, lãnh đạo ban Kinh tế, lãnh đạo tòa soạn Báo Tuổi Trẻ đã cử nhóm phóng viên tìm hiểu sự thật, cùng thực hiện tuyến điều tra “Phanh phui rau VietGAP dỏm”. Từ đây, những góc khuất lộ diện rõ nét hơn.
Nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ gồm Bông Mai – Thảo Thương – Nguyễn Trí – Đức Thiện sau đó đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận và làm việc tại nhiều cơ sở sơ chế rau sạch khác nhau trên địa bàn TP.HCM, để ghi nhận hành trình “hô biến” rau rởm thành rau VietGAP. Họ đồng thời phối hợp để ghi nhận về các đầu mối nhập rau của cơ sở sơ chế mà mình phụ trách điều tra.
Cũng trong lúc đó, ngay sau khi rau rởm đã có thêm nhãn mác để thành rau VietGAP, các phóng viên bám theo đường đi của các tài xế giao rau, đi từ cơ sở sơ chế rau đến khách hàng nhập rau đã bị “hô biến”, để biết họ là khách hàng cá nhân thông thường, hay các siêu thị, cửa hàng lớn.
Nhóm tác giả cũng tìm hiểu có hay không việc lỏng lẻo trong quá trình cấp chứng nhận VietGAP và chứng minh sự lỏng lẻo này. Từ các bằng chứng có được, các phóng viên phản ánh sự việc đến doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan.
“Khi làm điều tra, chúng tôi phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe để cho ra sản phẩm chất lượng. Đồng thời, đối với đề tài này, có những thời gian dài chúng tôi phải thức xuyên đêm và làm tiếp vào ban ngày, đòi hỏi sức khỏe tốt. Tuy nhiên, vì biết mình đang làm công việc gì, chuẩn bị tâm thế với những chuyện phải đối mặt, nên chúng tôi không thấy mình quá khó khăn hay vất vả. Làm báo vì yêu thích, vì mình chủ động chọn, nên chúng tôi chịu trách nhiệm và chấp nhận những thử thách. Phóng sự điều tra là cơ hội để trưởng thành hơn trong nghề”, phóng viên Bông Mai bộc bạch.
“Không có lý do để không sẵn sàng dấn thân”
Dấn thân thực sự vào hành trình điều tra, nhóm phóng viên của Báo Tuổi Trẻ cố gắng hết mức để thực hiện tốt tác phẩm. Do đó, khi tuyến bài được đăng tải và lan tỏa rộng rãi, họ cảm thấy vui mừng vì có rất nhiều độc giả chờ đón để được đọc các bài tiếp theo trong loạt bài, bày tỏ sự yêu mến của mình đối với báo chí.
“Qua đó giúp chúng tôi hiểu rằng mình đã góp được chút sức nhỏ cho cộng đồng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những người trồng rau VietGAP và những người kinh doanh chân chính”, phóng viên Bông Mai chia sẻ.
Về phía cơ quan chức năng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã họp khẩn, cho biết loạt bài điều tra “Phanh phui rau VietGAP dỏm” đã chỉ ra bất cập, góc khuất trong quản lý chất lượng sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối. Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Loạt bài của Báo Tuổi Trẻ đánh vào tâm thức để chúng ta cùng nhau hành động”. Sau buổi họp này, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thực hiện nhiều hoạt động, nhằm xây dựng và chuẩn hóa cho thị trường nông sản trong nước.
Tạo được hiệu ứng mạnh mẽ với loạt bài trên, song khi được hỏi đâu là yếu tố cốt lõi để làm nên một tác phẩm điều tra ấn tượng, tác giả Bông Mai trả lời ngắn ngọn mà rành rọt: “Một người làm báo cũng là một người dân. Điều cốt lõi là phản ánh được những trăn trở của xã hội, gần gũi và thực tế với người dân”.
Dù thể hiện tên của bốn phóng viên, song để hoàn thành loạt bài này, tác giả Bông Mai cho biết thực tế nhận được nhiều sự “bọc lót” phía sau, trong đó có lãnh đạo ban Kinh tế, lãnh đạo Báo Tuổi Trẻ, cùng nhiều đồng nghiệp và bạn đọc hỗ trợ. Trước khi xuất bản, mỗi bài cũng đều nhận được sự trợ giúp từ các phóng viên thuộc phòng ảnh, morasse, tỉnh táo viên…
“Thông qua việc thực hiện tuyến bài điều tra, chúng tôi càng hiểu rằng khi một bài báo được xuất bản cũng là thành quả của một tập thể, bao gồm những người có tên trên mặt báo và những người luôn hỗ trợ thầm lặng. Đích đến cuối cùng là phụng sự bạn đọc, phụng sự người dân, thông qua sản phẩm báo chí chất lượng cao”, tác giả Bông Mai chia sẻ.
Với nhiều phóng viên, phóng sự điều tra không phải thể loại dễ, đặc biệt đối với phóng viên nữ. Song, Bông Mai nói rằng bản thân tiếp xúc vấn đề với góc nhìn của một người làm báo, chứ không đặt lên bàn cân mình là nam hay nữ. “Tuy nhiên, mỗi giới tính cũng có những nhiều điều thú vị và phát huy tốt sức mạnh đối với từng đầu việc cụ thể. Nhóm chúng tôi có cả nam lẫn nữ, choàng gánh cho nhau trong nhiều việc”, cô nói.
Khi được trở thành đồng nghiệp của rất nhiều đàn anh giỏi và tử tế với nghề, nữ phóng viên Bông Mai cho biết bản thân được truyền động lực để cố gắng trong hành trình làm báo. Vì được người dân tin tưởng, nên những người làm báo luôn nỗ lực để không phụ lòng tin đó.
Bông Mai cho biết: “Qua các bài điều tra, chúng tôi có được những trải nghiệm mới mẻ, được học hỏi và trưởng thành, tạo nên lập trường và chính kiến, được có cơ hội góp sức nhỏ để lan tỏa sự thật, được lắng nghe để hình thành nên những chính sách, được giúp nhiều người, được bạn đọc yêu mến. Rõ ràng chúng tôi được nhận rất nhiều”. Với tấm lòng trân quý và biết ơn, nữ phóng viên trẻ khẳng định “không có lý do gì để không sẵn sàng dấn thân”.
Cát My