Phân luồng sau cấp THCS là cần thiết nhưng phải đảm bảo quyền được thi lớp 10 THPT công lập của tất cả học sinh, không để em nào bị bỏ lại phía sau…
Việc học tập và đăng ký nguyện vọng dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập là quyền, nhu cầu chính đáng của học sinh. (Ảnh minh họa) |
Dù không phải là câu chuyện mới nhưng cứ đến trước mùa thi lại diễn ra tình trạng khuyên học sinh yếu kém không thi vào lớp 10 THPT công lập, làm “nóng” trên các diễn đàn giáo dục và mạng xã hội. Điều đáng nói, tình trạng này không chỉ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác, gây xôn xao dư luận.
Hầu như năm nào, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các địa phương cũng đều có các chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng này nhưng đâu đó vẫn diễn ra, vì sao vậy? Có nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu rằng hiện tượng khuyên học sinh yếu kém không thi vào lớp 10 là vì sợ trường bị ảnh hưởng đến thành tích và xếp loại thi đua? Trong khi, việc học tập và đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT là quyền, nhu cầu chính đáng của tất cả học sinh và cần đảm bảo quyền đó của các em.
Trong điều 13, Luật Giáo dục 2019 đã quy định: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
Đồng ý rằng, công tác phân luồng sau cấp THCS là cần thiết. Song, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm thông tin chính xác, đầy đủ tới học sinh, phụ huynh về các quy định liên quan công tác tuyển sinh lớp 10; định hướng cho các em đăng ký vào các trường phù hợp với năng lực của bản thân.
Từ đó, bảo đảm quyền lợi tham gia kỳ thi cho tất cả học sinh khi các em có đầy đủ điều kiện dự thi cũng như có nguyện vọng, tránh việc ngăn cản dù dưới bất cứ hình thức nào. Hơn nữa, mỗi học sinh đều có quyền được trải nghiệm, được tham gia kỳ thi để thử thách chính mình và giúp trưởng thành hơn, có định hướng đúng đắn trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, ngành Giáo dục Hà Nội không đưa kết quả thi tuyển vào lớp 10 trường công lập vào tiêu chí thi đua. Chủ trương của Thành phố là bảo đảm quyền lợi học tập và dự thi của mọi học sinh theo nguyện vọng. Việc đăng ký dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của học sinh, không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Sở nghiêm cấm các hành vi vận động, ép buộc học sinh không đăng ký dự thi dưới bất kỳ hình thức nào đồng thời sẽ xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.
Vậy làm sao để không tái diễn chuyện khuyên học sinh không thi lớp 10? Theo nhiều chuyên gia, học thật, thi thật và làm tốt các khâu liên quan đến công tác phân luồng sau THCS là giải pháp để chấm dứt hiện tượng vận động, khuyên học sinh yếu kém không thi lớp 10 công lập.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, làm tốt công tác phân luồng, định hướng cho học sinh THCS là cần thiết, đó là cả quá trình, giúp các em nhận ra năng lực, sở trường, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân chứ không phải việc quyết định thi hay không thi. Điều quan trọng, đừng để thành tích của trường ảnh hưởng đến mọi quyết định và tương lai của học sinh. Bên cạnh đó, phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật, tạo ra nhân tài thật.
Ở góc độ tâm lý, giáo dục, PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở độ tuổi 15, hầu như các em chưa chuẩn bị đầy đủ năng lực để có thể tự lập và đưa ra các quyết định, mục tiêu của mình. Do vậy, việc khuyên học sinh không thi lớp 10 vì không đủ năng lực để thi giống như “gắn nhãn” cho học sinh về sự hạn chế năng lực của các em. Từ đó, khiến các em đánh mất niềm tin vào chính mình.
PGS. TS. Trần Thành Nam khẳng định: “Mỗi người có một tài năng, tố chất riêng và bạn trẻ sẽ có thể làm được tất cả những điều mà mình mơ ước nếu có thái độ đúng và chăm chỉ, nỗ lực từng ngày. Vì vậy, việc yêu cầu học sinh không được thi lớp 10 tạo ra sự hoang mang rất lớn về hình ảnh bản thân, lòng tự trọng của các em”.
Do vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải triển khai tốt hơn nữa các khâu liên quan công tác phân luồng. Trong đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sau THCS phải được đầu tư một cách bài bản, chứng minh với xã hội một cách thuyết phục hơn nữa về con đường phát triển, hình thành nghề nghiệp bền vững cho những học sinh đi theo con đường đó; đảm bảo dù đi theo con đường nào, học sinh cũng đều có thể phát triển thành một công dân tốt, có ích cho xã hội.
Bên cạnh đó, cần thay đổi niềm tin, nhận thức của phụ huynh về nghề nghiệp, dựa trên sức lao động, năng lực, sở thích, điểm mạnh của cá nhân, không có bất cứ một nghề nghiệp nào cao hơn nghề nghiệp nào. Giáo viên cũng phải trang bị thêm các kỹ năng tham vấn phù hợp, đồng thời tránh những áp lực thành tích, thi đua. Hơn thế, Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước cần thêm các cơ chế giám sát hoặc điều chỉnh tỉ lệ phân luồng phù hợp với từng địa phương, vùng, miền.
Nguồn: https://baoquocte.vn/phan-luong-can-dam-bao-quyen-duoc-thi-lop-10-cong-lap-cua-tat-ca-hoc-sinh-272266.html