Tổng thống Alexander Stubb chia sẻ việc gia nhập NATO đã biến Phần Lan trở thành “quốc gia tiền tuyến” vì nước này làm tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga.
Tổng thống Alexander Stubb (trái) và Thủ tướng Ulf Kristersson tại Stockholm ngày 23/4. (Nguồn: AP) |
Từ ngày 23-25/4, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Thụy Điển.
Chương trình nghị sự của hai thành viên NATO mới trong chuyến thăm được cho là tập trung vào mối quan hệ song phương, hỗ trợ cho Ukraine và chuẩn bị tham dự Thượng đỉnh NATO tại Washington D.C, Mỹ vào tháng Bảy tới.
Hàng xóm thân thiết
Phát biểu trước Quốc hội Thụy Điển, (Riksdag) sáng 23/4, Tổng thống Alexander Stubb nhấn mạnh, dù hai nước còn một vài điểm khác biệt, Thụy Điển luôn là “người hàng xóm thân thiết nhất của người dân Phần Lan”. Hai nước là láng giềng gần gũi, người dân hai nước có quan hệ và giao lưu mật thiết, xã hội tương đồng, lộ trình gia nhập NATO tương tự, mục tiêu muốn củng cố và phát triển đất nước như nhau.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đôi khi hai nước đưa ra những quyết định khác nhau như trong Chiến tranh Lạnh, nhưng cơ bản có chung nhận thức về an ninh và kỳ vọng về tương lai dựa trên các giá trị dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, coi trọng hợp tác và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tổng thống Alexander Stubb nhấn mạnh, quan hệ song phương đang trở nên cực kỳ gần gũi trong những năm gần đây và không thể tách rời trong suốt chiều dài lịch sử, trong hiện tại và cả tương lai. Theo ông Stubb, “ngày nay, Thụy Điển và Phần Lan có nhiều cơ hội để điều động chính sách đối ngoại hơn bao giờ hết”.
Trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với xu hướng bảo hộ, Phần Lan và Thụy Điển cần tăng cường hợp tác để thị trường nội địa hoạt động tốt, cạnh tranh cởi mở và xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng mạnh.
Trong cuộc họp báo chung ở Stockholm cùng ngày, Thủ tướng Ulf Kristersson đồng tình với những nhận định của ông Stubb. Ông Kristersson khẳng định, “Thụy Điển và Phần Lan không chỉ có chung lịch sử mà còn chia sẻ rất nhiều về một tương lai chung”.
Vai trò “lá chắn”
Trong nhiều thập kỷ, cả Phần Lan và Thụy Điển theo đuổi chính sách trung lập, không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào đầu năm 2022. Lo ngại có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 và được các nước thành viên NATO khác chấp thuận. Thụy Điển và Phần Lan lần lượt trở thành thành viên chính thức thứ 31 và 32 của NATO vào ngày 4/4/2023 và 7/3/2024.
Tổng thống Alexander Stubb chia sẻ việc gia nhập NATO đã biến Phần Lan trở thành “quốc gia tiền tuyến” vì nước này làm tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga. Phần Lan sẽ phấn đấu trở thành một thành viên NATO khiêm tốn, có trách nhiệm, mang tính xây dựng và đáng tin cậy.
Ông Stubb chia sẻ con đường chung giữa Phần Lan và Thụy Điển không kết thúc với việc trở thành thành viên NATO mà hai nước cần tiếp tục phối hợp trong phòng thủ quốc gia cùng NATO và với nhau. Trách nhiệm chung của hai nước Bắc Âu là bảo vệ NATO ở biển Baltic, khu vực Bắc Cực và khu vực biên giới phía Đông. Hai nước có năng lực chung về phòng thủ trên không, trên biển và trên đất liền và là một phần không thể thiếu trong khả năng răn đe của NATO. Việc kết hợp năng lực quốc gia với tư cách thành viên NATO và EU cũng như các thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương (DCA) với Mỹ sẽ mang lại an ninh cho hai nước hơn bao giờ hết.
Tổng thống Alexander Stubb nhấn mạnh, trong bối cảnh các cuộc xung đột xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Âu và Trung Đông, “cách tốt nhất để tránh chiến tranh là nói ít lại và chuẩn bị nhiều hơn. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hòa bình. Đó là lý do vì sao Phần Lan muốn có quân đội hùng mạnh và gia nhập NATO”. Đồng thời, ông Stubb nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước duy trì cập nhật thông tin thông suốt cho nhau bất kể ngày đêm, ở mọi cấp độ.
Bình luận về việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO, một quan chức NATO chia sẻ, điều này “tạo ra lá chắn không bị gián đoạn từ Baltic đến Biển Đen và sẽ giúp tăng cường việc lập kế hoạch và hợp tác quốc phòng ở khu vực từ Bắc Âu đến Baltic”.