THÁI NGUYÊN Phân bón Ivan có nguồn gốc tự nhiên có thể phun trên lá hoặc tưới xuống đất trồng chè. Qua đó, phân hủy thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo và giải độc đất.
Là địa phương sản xuất chè dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị thu nhập/ha, tỉnh Thái Nguyên định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế “Đệ nhất danh trà”. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Tuy nhiên, một trong những bài toán khó trong phát triển vùng chè hữu cơ đối với tỉnh Thái Nguyên là sự suy giảm chất dinh dưỡng trong đất.
Giải pháp cho đất trồng chè thoái hóa
Diện tích chè trung du trên địa bàn tỉnh đều được trồng bằng hạt từ nhiều năm trước và hiện đang ở cuối chu kỳ khai thác. Bà con lại sử dụng lẫn nhiều loại giống trên cùng một vùng trồng. Trong quá trình canh tác, người dân chỉ tập trung khai thác, chưa chú trọng đầu tư thâm canh. Nhiều diện tích không được chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật nên năng suất nương chè ngày một giảm.
Trồng chè lâu năm không được cải tạo theo quy trình hợp lý, không được bón hoặc bón quá ít phân hữu cơ khiến đất trở nên quá chua. Ngoài ra, tình trạng thiếu hệ thống cây cải tạo đất, cây che bóng cũng làm cho các nương chè nhanh chóng bị thoái hóa…
Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Bạch Dương triển khai mô hình ứng dụng phân bón chuyên giải độc và cải tạo đất, đẩy nhanh quá trình cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện phát triển bộ rễ trên cây chè tại các hợp tác xã (HTX) và nông hộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Loại phân bón hữu cơ sinh học có nguồn gốc thảo mộc được sử dụng tại mô hình là Ivan Ovsinsky Fulvohumate (gọi tắt là Ivan) do Công ty Nông nghiệp xanh Bạch Dương nhập khẩu và phân phối. Phân bón Ivan có thành phần chính bao gồm Axit humic, Axit Fulvic, pHH20… Đây là loại phân bón chuyên giải độc và cải tạo đất, đẩy nhanh quá trình lấy lại cân bằng cho hệ sinh thái.
Theo ông Vũ Tuấn Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Bạch Dương, Ivan là sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn 100% từ hữu cơ, được ứng dụng công nghệ nano. Phân bón Ivan khi sử dụng có thể pha với nhiều nước để phun trên lá hoặc để tưới xuống đất trồng chè, công dụng phân hủy thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo, giải độc đất.
Các kim loại nặng tồn dư trong đất như lân, clo, natri, sắt, đồng, mangan sẽ được chuyển hoá, làm giảm độ chua, kích thích sự phát triển của tất cả các vi sinh vật trong đất, góp phần phục hồi sự tơi xốp của đất.
Mô hình được thực hiện tại 24 hộ với diện tích 5ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041 – 6:2018 hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đang chuyển đổi hữu cơ ở các huyện Đại Từ, Phú Lương và Đồng Hỷ.
Phân bón Ivan được sử dụng trên nền phân bón cho chè tại từng hộ vẫn đang sử dụng như phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục, phân Quế Lâm 01, chế phẩm trùn quế, phân NPK tổng hợp… Thời điểm bắt đầu sử dụng phân bón Ivan tuỳ từng hiện trạng chè của hộ sản xuất. Cụ thể, tính từ bắt đầu dùng lần 1 sau hái 3 – 5 ngày; dùng lần 2 cách lần 1 từ 5 – 7 ngày và lần 3 cách lần 2 từ 5 – 7 ngày với với lượng dùng 0,5 lít/lần/1.000m2.
Theo dõi tại 5 hộ sử dụng cho thấy, sản lượng của 3 lứa dùng phân Ivan so với đối chứng tăng trung bình khoảng từ 16 – 39kg chè búp tươi/lứa.
Cải tạo đất hiệu quả
Ông Mai Văn Nam, xóm Non Bẹo, xã La Bằng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đang sử dụng chế phẩm phân bón Ivan trên 1.000m2 chè VietGAP của gia đình để chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Sau khi dùng phân thảo mộc Ivan tưới cho cây chè (bắt đầu từ tháng 5/2023) và lứa chè thứ 3, ông Nam nhận thấy cây chè khỏe, lá xanh và dày, năng suất búp cao hơn.
“Tuy mới sử dụng phân bón Ivan trên 3 lứa, nhưng đồi chè đã có sự thay đổi rõ rệt. Đất có độ mùn, tơi xốp, phần rễ của cây chè có nhiều tơ mới. Ngoài ra, cây chè cứng khỏe, trong thân và bề mặt lá già ít bị rêu, địa y bám, búp màu xanh vàng”, ông Nam cho hay.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, mẫu được lấy trên nền đất của các hộ tham gia mô hình sản xuất hữu cơ sử dụng phân Ivan cho thấy, lượng Asen, chì và Cadimi đã giảm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không phát hiện sau khi sử dụng phân bón Ivan.
Sau gần 8 tháng triển khai, với 3 lứa cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi tăng trung bình khoảng 16 – 39kg mỗi lứa trên diện tích 1.000m2.
Chị Ngô Thị Luyến, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, lứa đầu tiên khi sử dụng phân bón Ivan đã xuất hiện rễ mới, đến lứa thứ 3 thì rễ mới phát triển rất mạnh. Điều này chứng tỏ khả năng cây trồng hấp thu dinh dưỡng tốt, chuyển hóa tốt các loại dinh dưỡng khó tiêu.
HTX Chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) hiện đang sử dụng phân bón Ivan cho chè hữu cơ tại huyện Phú Lương.
“Việc sử dụng phân bón Ivan giúp thời gian được thu hái rút ngắn dần sau mỗi lứa. Đặc biệt, rễ chùm và rễ tơ phát triển mạnh. Búp có độ dày đồng đều. Sau khi thu hái, chúng tôi nhận thấy nước chè có màu xanh vàng, trong, thơm đậm tự nhiên, vị ngậy, chát dịu…”, ông Tô Văn Khiên, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc chia sẻ.
HTX Chè an toàn Khe Cốc đã gửi mẫu sản phẩm chè sử dụng phân bón Ivan sang đối tác tại Đức để khách hàng tại đây trải nghiệm sản phẩm. Lãnh đạo HTX Chè an toàn Khe Cốc cho hay, đối tác tại Đức đánh giá cao chất lượng sản phẩm chè hữu cơ sử dụng phân bón Ivan và hứa sẽ sang Việt Nam kiểm tra vùng sản xuất để tiến tới nhập khẩu sản phẩm.
Với hiệu quả môi trường mà phân bón Ivan đem lại, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho rằng, sử dụng phân bón Ivan trong sản xuất chè có thể giảm dần và thay thế hoàn toàn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nếu được ứng dụng lâu dài. Qua đó, góp phần cân bằng hệ sinh thái vùng sản xuất, giúp đất tơi xốp, chống xói mòn, hình thành bộ rễ khỏe.
Kêu gọi doanh nghiệp làm chè hữu cơ
Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cùng lối sống xanh của người tiêu dùng và thị trường, việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ thông qua mô hình ứng dụng phân bón chuyên giải độc và cải tạo đất trên cây chè là hướng đi tất yếu.
Vì vậy, rất cần những giải pháp và sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm chè. Từ đó, khẳng định vị thế “Đệ nhất danh trà”.
Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên, không riêng gì phân bón hữu cơ, mà cả thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đang là ưu tiên hàng đầu với ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Ông Tá cho hay, địa phương luôn “trải thảm” và kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc thảo mộc sinh học vào đầu tư, phát triển sản xuất và phân phối sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô lớn, với diện tích chè toàn tỉnh gần 22.500ha, năng suất bình quân 125 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi khoảng 252 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm thu được bình quân đạt 270 triệu đồng/ha.
Bên cạnh cây chè, tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với chính quyền chọn 460 hộ của 8 xã thực hiện sử dụng phân bón Ivan trên 50ha lúa, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2023.
Các hộ tại các điểm thực hiện mô hình đều nhận xét phân bón Ivan có hiệu quả, đất ruộng được cải tạo tơi xốp hơn, cây lúa phát triển tốt qua các thời kỳ, năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng, từ đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nếu sử dụng lâu dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.