Sử dụng phân bón hữu cơ, lợi đôi đường
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Nam Định chia sẻ, việc đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, giá trị cho sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng giúp cây trồng phát triển cân đối, ổn định, tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn cho đất, cân bằng vi sinh vật trong đất.
Ngoài ra, hạn chế sự rửa trôi và xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ, tiết kiệm nước tưới. Nâng cao chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.
Tuy nhiên, theo ông Chính, việc phát triển sản xuất phân bón hữu cơ ở quy mô nông hộ, trang trại, gia trại cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, nhận thức về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ của các hộ nông dân còn hạn chế, thiếu nhân lực.
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí cao; thời gian xử lý dài, hàm lượng dinh dưỡng thấp. Đặc biệt, vốn, cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc… phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ còn hạn chế; chi phí sản xuất phân hữu cơ cao, giá bán cao.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, ông Chính cho hay, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ cho phát triển nông nghiệp bền vững thay thế phân hóa học.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để kích thích người dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có sản xuất và sử dụng phân hữu cơ.
Đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc…, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận lưu hành phân bón hữu cơ cho các cơ sở sản xuất lớn. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, tổ chức sản xuất, cung ứng phân hữu cơ với sản lượng lớn, giá bán hợp lý.
“Đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là nền tảng khoa học sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo xu hướng thời đại; đầu tư công nghệ chế biến nông sản quy mô lớn”, ông Chính nêu thêm giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Chính, hiện nay tỉnh Nam Định chưa có chính sách riêng cho sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, những năm qua, tỉnh đang áp dụng lồng ghép các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Trong đó, kết hợp chính sách hỗ trợ đào tạo ngành nghề nông thôn để đào tạo tập huấn cho người lao động ở các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; vận dụng các nguồn kinh phí hợp pháp từ Chương trình MTQG xây dựng NTM, chương trình mục tiêu dân số – y tế để hỗ trợ cho các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều diện tích nông nghiệp được “ăn” phân bón hữu cơ
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, hằng năm lượng phân bón các loại được người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 165.000 tấn. Trong đó, 155.000 tấn phân bón vô cơ và 10.000 tấn phân hữu cơ các loại, chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh và một phần phân hữu cơ khoáng.
Ông Trần Ngọc Chính thông tin, đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã hình thành một số mô hình sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, với diện tích khoảng 1.000 ha.
Đơn cử như: Mô hình sản xuất lúa giống tại huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường; sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng…
Mô hình trồng dưa, rau các loại công nghệ cao trong nhà màng, theo VietGAP tại Vụ Bản. Mô hình trồng rau màu theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Xuân Trường.
Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, để sản xuất rau an toàn, VietGAP tại xã Yên Cường (huyện Ý Yên)…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Nam Định là 1 trong số 6 địa phương được chọn tham gia Dự án “Sử dụng phân bón đúng” do Cục Nông nghiệp Đối ngoại (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ – USDA) chủ trì và tài trợ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) là chủ dự án.
Tại Nam Định, Chi cục Trồng trọt – BVTV Nam Định đã lựa chọn HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên) thực triển khai mô hình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa kết hợp sinh học.
Trong quá trình triển khai, các chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đã xây dựng mô hình, hướng dẫn công nghệ mới về xử lý phụ phẩm lúa làm phân bón hữu cơ tới người dân địa phương.
Ngoài ra, IRRI còn chuyển giao công nghệ ủ rơm rạ bằng máy trộn tự hành, năng suất khoảng 138 – 300m3 rơm rạ cho 1 lần trộn. Thời gian ủ khoảng 45 ngày, bằng một nửa so với phương thức ủ truyền thống như ủ phân thủ công hoặc dùng xe xúc.
Ông Nguyễn Văn Dự, Giám đốc HTX Nam Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên) bày tỏ, chúng tôi rất vui mừng khi được các chuyên gia của IRRI hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ và bàn giao máy đảo trộn phân hữu cơ tự hành trong vòng 2 năm.
“Tôi sẽ cùng các thành viên trong HTX vận hành một cách hiệu quả, đồng thời chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm của mình rộng rãi cho bà con vùng lân cận”, Giám đốc HTX Nam Cường nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, những năm qua, tỉnh định hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ sử dụng phân bón vô cơ sang hữu cơ, thể hiện ở việc hình thành nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, tỉnh Nam Định có nhiều chủ trương khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ bằng những buổi đào tạo, tập huấn nhằm thay đổi nhận thức về sử dụng phân bón, cũng như tăng cường sử dụng các biện pháp xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp.
Nguồn: https://danviet.vn/phan-huu-co-co-tac-dung-gi-tai-sao-ngay-cang-nhieu-nong-dan-nam-dinh-thich-lam-phan-huu-co-20241011215253252.htm