Tại buổi họp báo, ông Hồ Tấn Minh thông tin rõ: “Đây là phát biểu của đồng chí giám đốc (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu – NV) trong hội nghị tổng kết ngành, trong đó nói rõ giáo viên không được kiểm tra đầu giờ một cách đột xuất và bất chợt, chứ không phải là không kiểm tra đầu giờ”.
Theo đó, việc đổi mới kiểm tra đánh giá của ngành phải tuân thủ theo Thông tư 22 và Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT để triển khai các nội dung này.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, kiểm tra đánh giá học sinh là một hoạt động bình thường trong chương trình giáo dục, còn hình thức kiểm tra, nội dung kiểm tra do giáo viên thực hiện theo thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, ở đây kiểm tra học sinh là quá trình chứ không phải kiểm tra bất chợt.
“Tôi ví dụ như 1 số clip vui mà các anh chị thấy trên TikTok, giáo viên cầm cục lô tô sau đó xào qua xào lại bốc ra số, học sinh có số thứ tự này lên trả bài. Đây là cách mà ngành giáo dục phản đối và chúng tôi không khuyến khích. Chúng tôi xem đó là tạo ra cho học sinh cảm giác lúc nào cũng lo sợ, áp lực không biết hôm nay mình có trả bài không”, ông Hồ Tấn Minh nêu rõ.
‘Kiểm tra phải đánh giá được năng lực…’
Ông Hồ Tấn Minh cho rằng, việc kiểm tra học sinh thì có kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Kiểm tra thường xuyên có thể bằng nhiều hình thức như vấn đáp, kiểm tra bằng giấy, qua quá trình học tập, qua thái độ học tập, bằng sản phẩm thực hành, chứ không phải chỉ riêng bằng kiểm tra miệng.
“Giáo viên cần xác định rõ kế hoạch thực hiện kiểm tra học sinh, kiểm tra phải đánh giá được năng lực, kiểm tra không chỉ để biết học sinh có thuộc chữ đó không thì không đánh giá được năng lực của học sinh như thế nào. Đây hoàn toàn là quan điểm chỉ đạo của ngành giáo dục”, ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.
Về các hình thức kiểm tra đánh giá học sinh, đại diện Sở GD-ĐT cho biết Sở sẽ tiến hành tập huấn giáo viên, giáo viên cần thay đổi tư duy để tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh một cách rõ ràng.
Theo Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu khâu kiểm tra học sinh tốt thì quá trình đổi mới giáo dục thành công. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể trong đầu tuần về kiểm tra đánh giá học sinh theo quan điểm chỉ đạo của ngành.
Đóng học phí qua ứng dụng, bên thứ 3…
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin thêm về thắc mắc của phụ huynh học sinh khi đóng học phí qua các ứng dụng, bên thứ 3… phải trả thêm một khoản phí.
Ông Hồ Tấn Minh cho hay, hiện nay ngành giáo dục đang khuyến khích thu học phí không dùng tiền mặt và có thể triển khai thu học phí từ bên thứ 3. Tuy nhiên, tất cả các đơn vị này muốn triển khai được thì Sở đang yêu cầu thực hiện kết nối dữ liệu vào dữ liệu của ngành.
Ông Minh nhấn mạnh, việc kết nối với bên thứ 3 sẽ không có hoạt động thu thập dữ liệu nữa nên việc lo ngại bị lộ dữ liệu ra ngoài, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định là không có.
Về vấn đề thu phí, hiện nay Chính phủ cho phép các đơn vị thứ 3 triển khai hệ thống phần mềm thu học phí, quyền lựa chọn thuộc về phụ huynh. Trong đó, mỗi nhà trường không chỉ có một hình thức thu học phí duy nhất, mà tự lựa chọn hình thức riêng phù hợp, thuận lợi.
“Tuy nhiên, để đồng bộ hệ thống thì chắc chắn sẽ có hệ thống quản lý việc đối sánh cuối tháng, cuối năm. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có hệ thống thống kê, nếu mức thu quá quy định sẽ có biện pháp nhắc nhở”, ông Minh cho biết.