Việt Nam luôn xác định biên giới cả trên đất liền và trên biển xác định không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia, đồng thời thể hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Do đó, việc phân định rõ ràng biên giới và quản lý, hợp tác hiệu quả trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế là yếu tố then chốt để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cũng như xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa các quốc gia liên quan.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên và đặt ra nhiều đe dọa đến trật tự quốc tế và lợi ích chung của nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Vì vậy Việt Nam không chỉ phải đối mặt với những tranh chấp cả về chủ quyền lãnh thổ và biển cùng những diễn biến phức tạp, đáng quan ngại từ các tranh chấp này, mà còn phải đối mặt với nhiều vẫn đề thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt tài nguyên và tội phạm xuyên quốc gia. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia mà còn tác động đến an ninh và phát triển của khu vực và thế giới.
Đó là những nhận định của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ tại Hội thảo quốc tế ‘Hợp tác vì biên giới, biển, đào, hòa bình và phát triển’, diễn ra sáng ngày 8/10, tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam tổ chức.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế về hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển. (Ảnh: Anh Sơn)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo xuất phát từ ý nghĩa của công tác biên giới, lãnh thổ và yêu cầu thực tế khách quan của việc quản lý và hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao chia sẻ, là quốc gia với trên 5.000 km biên giới đất liền và 3.260 km đường bờ biển, Việt Nam thấy rất rõ ý nghĩa, sự cần thiết và nhu cầu hợp tác quốc tế về biển và biên giới lãnh thổ. Những bước tiến quan trọng trong công tác giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam đã cho thấy rõ điều đó.
Phân định biên giới và quản lý, hợp tác hiệu quả là những yếu tố then chốt bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ đối với một quốc gia mà còn trong mối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là những nước có biên giới chung. Phân định biên giới rõ ràng giúp các quốc gia xác định chủ quyền lãnh thổ của mình. Điều này là cơ sở để giải quyết các tranh chấp biên giới một cách hòa bình, giảm thiểu xung đột và đảm bảo an ninh quốc gia.
Việc quản lý biên giới hiệu quả, bao gồm công tác tuần tra, kiểm soát, và xử lý các hoạt động vi phạm, là rất cần thiết. Sự hợp tác giữa các lực lượng biên phòng, hải quan và các cơ quan chức năng của hai bên sẽ giúp tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực biên giới. Biên giới ổn định và hòa bình tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các quốc gia. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các bên mà còn hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương ở khu vực biên giới.
Việc hợp tác hiệu quả trong quản lý biên giới không chỉ hạn chế xung đột mà còn tạo cơ hội cho các quốc gia giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và thương lượng. Một cuộc đối thoại cởi mở sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa các bên. Hợp tác hiệu quả trong quản lý biên giới cũng đặt ra yêu cầu về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Các quốc gia cần cùng nhau xây dựng các kế hoạch bảo vệ môi trường bền vững tại khu vực biên giới.
Một biên giới được phân định rõ ràng và được quản lý tốt sẽ giúp cả hai bên an toàn hơn từ các mối đe dọa, như tội phạm xuyên biên giới, buôn lậu, và các hoạt động khủng bố. Sự hợp tác và quản lý hiệu quả vấn đề biên giới sẽ góp phần củng cố mối quan hệ ngoại giao, thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, làm nền tảng cho sự phát triển.
Như vậy, việc phân định biên giới rõ ràng và hợp tác trong quản lý sẽ là tiền đề cho sự hòa bình, ổn định và phát triển bền vững giữa các quốc gia, đóng góp tích cực vào việc xây dựng một thế giới hòa bình và hợp tác.
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển. (Ảnh: Anh Sơn)
Việt Nam cam kết tôn trọng và áp dụng các quy định của UNCLOS để giải quyết các vấn đề trên biển. Trong quá trình giải quyết các thách thức này, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đóng vai trò vô cùng quan trọng như là khuôn khổ pháp lý toàn diện và phổ quát cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi.
Là một trong những nước tiên phong trong việc ký kết và thực thi UNCLOS, Việt Nam cam kết tôn trọng và áp dụng các quy định của UNCLOS để giải quyết các vấn đề trên biển, nhằm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ và duy trì một trật tự pháp lý quốc tế trên biển và đại dương dựa trên UNCLOS, khuyến khích sự phát triển và hợp tác, như khẳng định của Quốc hội Việt Nam trong Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994.
Việc phân định biên giới rõ ràng và hợp tác trong quản lý sẽ là tiền đề cho sự hòa bình, ổn định và phát triển bền vững giữa các quốc gia, đóng góp tích cực vào việc xây dựng một thế giới hòa bình và hợp tác./.
Thanh Tùng