Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%.
Mục tiêu này được nêu rõ tại báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Chính phủ đánh giá, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1- 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).
“Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm”, báo cáo nêu.
Dự kiến cuối năm 2023, thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Qua đó, góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đối với 10/54 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Số liệu này đặt khoảng 18,5% so với chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng giao là đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì Chương trình) đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp đề xuất phân bổ vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phân bổ 48.000 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 28.000 tỷ đồng).
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt phân bổ 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021- 2025; phân bổ vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2021, năm 2022, năm 2023.
Theo đó, Chương trình đã tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Chính phủ nhận định, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập…
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Chính phủ, kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững, do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo vì các lý do khách quan, như ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai.
Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn 2023 và nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng.
Phấn đấu hết năm 2023, giải ngân tối thiểu đạt 95%; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng phân bổ sớm, đủ nguồn vốn của cả Chương trình cho năm 2024, 2025 để các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Dung nêu rõ, cơ quan chủ trì Chương trình tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản thực hiện Chương trình theo thẩm quyền được giao.
Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030.