Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Đầu tiên phải kể đến là do kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản còn trầm lắng, việc triển khai giải phóng mặt bằng một số dự án chậm, chưa kịp thời bàn giao cho nhà đầu tư.
Tại một số dự án, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm, phương án bồi thường phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, tạo tâm lý không tốt cho người bị thu hồi đất, dẫn tới kéo dài thời gian; kinh phí bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; việc quyết toán kinh phí giải phóng mặt bằng chậm, dẫn tới công tác thu tiền sử dụng đất ở một số dự án còn kéo dài, chưa dứt điểm.
Để xảy ra tình trạng này là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có xã, phường, thị trấn coi công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ của chủ đầu tư, trung tâm quỹ đất… nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Hơn nữa, chính sách, pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi, trong đó quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nhất là việc xác định giá đất để bồi thường, chính sách hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp) liên tục thay đổi qua các năm theo hướng càng ngày càng có lợi hơn cho người dân nên có sự so bì giữa người bị thu hồi đất trước và sau trong cùng một khu vực.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2024 và những năm tiếp theo ở mức cao nhất, đặc biệt là khoản thu từ sử dụng đất, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương trong tỉnh bám sát kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, tổ chức giải phóng mặt bằng, cho đấu giá quyền sử dụng đất.
Các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát việc kinh doanh sản phẩm bất động sản tại các dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ được kinh doanh những sản phẩm bất động sản khi đủ điều kiện theo quy định.
Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện, tham mưu, xử lý nghiêm những hành vi giao dịch, kinh doanh sản phẩm bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương, cơ quan có liên quan để công bố thông tin rộng rãi về các dự án (tình trạng pháp lý, quy mô, tiến độ…) để người dân nắm bắt thông tin chính xác những quy định của pháp luật. Kịp thời ngăn chặn tình trạng thông tin sai sự thật về dự án, làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư, gây bất ổn tình hình thị trường bất động sản và an ninh trật tự trên địa bàn.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tạo đồng thuận trong nhân dân khi bàn giao mặt bằng cho các dự án, đẩy nhanh tiến độ xây dựng điểm dân cư mới, trình cấp trên xem xét bổ sung quy hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong quá trình xây dựng khu dân cư, khu đấu giá quyền sử dụng đất, các ngành, địa phương công khai, minh bạch thông tin chi tiết về vị trí dự án để đông đảo nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đấu giá; tham mưu, đề xuất kế hoạch thu ngân sách từ tiền sử dụng đất từ sớm, xây dựng phương án dự phòng để kịp thời triển khai thực hiện trong năm, hạn chế tình trạng tập trung thực hiện thu tiền sử dụng đất vào cuối kỳ; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch sử dụng đất, phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc đối với công tác tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất.
Nguồn: https://www.congluan.vn/ha-nam-phan-dau-thu-ngan-sach-tu-tien-su-dung-dat-khoang-5700-ty-dong-post306684.html