(Baonghean.vn) – Ngày 10/4, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 244/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, phấn đấu đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Bắc Trung Bộ.
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai có hiệu quả các nội dung, giải pháp của Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 09- NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thể hiện vai trò của hoạt động phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong tiến trình thực hiện Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, tạo ra những cơ hội mới phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đặt ra yêu cầu: Phát triển doanh nghiệp công nghệ số với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số hiện đại, hình thành các doanh nghiệp số có sức cạnh tranh trên thị trường hỗ trợ quá trình chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế số và tăng trưởng GRDP của tỉnh; phấn đấu đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Bắc Trung Bộ.
Thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp xu hướng phát triển của tiêu dùng thông minh. Ảnh: Việt Phương |
Mục tiêu đến năm 2025: Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 8%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 60%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 40%; Trên 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thực thi pháp luật và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; 60%-70% các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP… của tỉnh Nghệ An tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt trên 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.
Mục tiêu đến năm 2030: 100% doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; Trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 15%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 80%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 60%.
Theo đó, UBND tỉnh cũng đưa ra kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
1. Triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Trung ương đối với phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm và dịch vụ số; đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại và tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Tổng hợp, xây dựng và thường xuyên rà soát, cập nhật, đánh giá, phân loại cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ hoạt động quản lý, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ số và lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An.
Nghiên cứu, đề xuất và triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách về thử nghiệm, kiểm soát đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ, loại hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ số trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Hoạt động tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải |
2. Phát triển hạ tầng số
Phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh; phát triển và phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng; triển khai hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT); triển khai, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G và điện thoại thông minh, trước mắt ưu tiên các khu vực đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai, mở rộng hạ tầng các thiết bị, cảm biến thông minh phục vụ phát triển thành phố thông minh.
Xây dựng và khai thác hiệu quả cổng dữ liệu mở, tạo lập và cung cấp, công bố dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân có thể truy cập, khai thác, sử dụng quy định của pháp luật. Nghiên cứu cơ chế mở dữ liệu, cung cấp cho các trường, viện, tổ chức, doanh nghiệp phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo đảm bảo đúng quy định, hiệu quả.
3. Phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông đã khẳng định được thương hiệu, có hệ thống cơ sở nằm trên địa bàn tỉnh chủ động sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số nhằm sẵn sàng đáp ứng, phù hợp yêu cầu thực tiễn của các cơ quan, đơn vị và người sử dụng. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ nhu cầu ứng dụng, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp, trường đại học nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất, sản phẩm, dịch vụ mới. Từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), Internet vạn vật (IoT),… trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế của tỉnh.
Nghiên cứu, phát triển và áp dụng một số sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thông minh với hình thức thu phí phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư phát triển, cải tiến các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới.
Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm để triển khai các hoạt động phát triển, ứng dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ quản lý, điều hành của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động đặt hàng các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia.
Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số làm thủ tục công bố Danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm trong cơ quan nhà nước. Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức lớn công bố nhu cầu, chương trình đầu tư, mua sắm sản phẩm, giải pháp công nghệ số của mình trên cổng thông tin điện tử mua sắm công nghệ số Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, vận hành.
4. Phát triển nhân lực công nghệ số
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học trên địa bàn tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
Nghiên cứu, triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ thay đổi.
Hỗ trợ tổ chức các sự kiện công nghệ số hàng năm. Tạo điều kiện để các sinh viên công nghệ thông tin thực tập thực tế tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp viễn thông lớn trên địa bàn tỉnh,… để tiếp cận, nắm bắt về các công nghệ, dịch vụ và chuyển đổi số.
5. Phát triển thị trường cho sản phẩm, dịch vụ công nghệ số
Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, dịch vụ theo chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh.
Ưu tiên sử dụng, đầu tư, thuê, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp công nghệ số sản xuất, phát triển khi đáp ứng đầy đủ các tính năng, chức năng và yêu cầu kỹ thuật đảm bảo theo các quy định hiện hành trong quá trình triển khai các chương trình, đề án, dự án về đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bằng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Triển khai đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số nhằm tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trên địa bàn tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, từng bước thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng công nghệ số.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử, tăng cường hoạt động thanh toán trực tuyến, thanh toán di động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách số.
6. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 01/CT-TTg và Kế hoạch này trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu, vai trò quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số trong việc phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự đồng thuận, tâm đối với triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Tuyên truyền, đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong phát triển kinh tế – xã hội; tích cực sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ số “Make in Việt Nam”.
Tổ chức truyền thông rộng rãi về mục tiêu, nhu cầu và kết quả thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực của tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Nghệ An năng động, là thị trường tiềm năng, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số “Make in Việt Nam” để xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền, đẩy mạnh ưu tiên đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ số Make in Việt Nam; góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được cân đối bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông, sở tài chính, các sở ban ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã, các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn căn cứ nhiệm vụ phân công tổ chức triển khai thực hiện.