Đề xuất các chính sách ưu đãi mới
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng qua cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Lạm phát trong nước được kiểm soát trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tăng trưởng và điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: QUANG PHÚC |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương phát huy những thành quả đạt được, các bài học kinh nghiệm, hóa giải các khó khăn, thách thức, bám sát, nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong tháng 11, 12. Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 và tạo đà thuận lợi cho năm 2024.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi. Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung tháo gỡ khó khăn để mở rộng, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi về miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách ưu đãi mới (trong đó tiếp tục giảm thuế VAT để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh). Song song đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.
Tích cực phục hồi, phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non; có giải pháp phù hợp về sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu xã hội hóa, yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với thu nhập của người dân…
Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân trong dịp tết; triển khai phù hợp, hiệu quả công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống người dân trong dịp giáp hạt và Tết Giáp Thìn 2024.
Báo chí cũng đặt vấn đề, vừa qua trên mạng xã hội đã lan truyền những hình ảnh về những trang sách cho trẻ em với mô tả dữ liệu trong sách giáo khoa gây ra dư luận xấu. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, về sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT đã có những quy định rất chặt chẽ từ tiêu chuẩn, quy trình cho đến việc thẩm định, lựa chọn sử dụng. Đối với sách tham khảo, sách cho trẻ em thì phạm vi rất rộng, hiện Bộ GD-ĐT nhận thấy chưa có trường hợp nào sách tham khảo đưa vào nhà trường có nội dung chưa phù hợp. “Vừa qua, có một số hiện tượng và đây cũng không phải lần đầu, một số tài khoản mạng xã hội, tờ báo… chụp một phần của những cuốn sách ở đâu đó trên thị trường, cũng có thể cố ý hoặc vô ý, để người dân hiểu lầm đây là nội dung của sách giáo khoa. Điều này rất nguy hiểm, tác động rất xấu đến toàn bộ hệ thống giáo dục”, Thứ trưởng lưu ý.
Làm rõ những sai phạm của nhà xe Thành Bưởi
Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ. Tại họp báo, thông tin liên quan đến những sai phạm của nhà xe Thành Bưởi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, từ vụ việc của nhà xe Thành Bưởi, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của tất cả 63 sở GTVT trên cả nước. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ vụ việc này. Trong tháng 12, Cục Đường bộ sẽ có kết luận thanh tra, báo cáo Chính phủ và cung cấp cho báo chí. Bộ GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về điều tra, xử lý.
Trả lời thêm về việc này, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, sau công điện của Thủ tướng, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn do nhà xe Thành Bưởi gây ra; đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan; chỉ đạo Công an TPHCM khẩn trương tiếp nhận, phân loại giải quyết tin tố giác tội phạm liên quan đến nhà xe Thành Bưởi.
Công an TPHCM đã khám xét trụ sở, chi nhánh, địa điểm liên quan của Thành Bưởi ở TPHCM và Lâm Đồng để làm rõ vi phạm của công ty này. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Cục Thuế TPHCM qua kiểm tra phát hiện Công ty Thành Bưởi có dấu hiệu trốn thuế, làm giảm số thuế phải nộp.
Hiện hồ sơ của doanh nghiệp này đã được Cục Thuế TPHCM chuyển cơ quan điều tra. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Công ty Thành Bưởi và cá nhân liên quan về hành vi trốn thuế, nếu có.