TPO – Thủ tướng yêu cầu, hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”. Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.
TPO – Thủ tướng yêu cầu, hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”. Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (đoạn qua Hậu Giang) hồi tháng 7. Ảnh: Cảnh Kỳ. |
Theo thông báo kết luận, đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược vùng ĐBSCL, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng đã trực tiếp 6 lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong vùng; nhiều lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, thăm bà con nhân dân khu vực các dự án, kiểm tra công tác tái định cư, ổn định đời sống nhân dân.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương và quyết tâm của các địa phương, vùng ĐBSCL từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc, đến nay mạng lưới hạ tầng giao thông đã chuyển biến rất tích cực. Toàn vùng có 120km đường bộ cao tốc đã đưa vào khai thác, 428km cao tốc đang thi công và phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2025.
Ngoài ra, có 215km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư, đáp ứng mong mỏi của nhân dân vùng ĐBSCL trong việc sớm hình thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và cả nước; mở ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, mang lại lợi ích cho các địa phương…
Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Với khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án còn rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai.
“Hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua ‘500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc’. Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng ĐBSCL và đến năm 2030 có khoảng 1.200 km” – Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu. Ảnh: Cảnh Kỳ. |
Thủ tướng yêu cầu các địa phương Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu giải quyết dứt điểm các khó khăn để bàn giao mặt bằng cho dự án Đường Hồ Chí Minh. Thành phố Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nút giao Lộ Tẻ để bàn giao cho dự án Cao Lãnh – Lộ Tẻ.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao cùng với UBND tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên địa bàn, không để xảy ra khiếu kiện làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có nguồn vật liệu đá (An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…) tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư (khi có đề nghị) để ưu tiên cấp đá cho các dự án trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu cát, sỏi, vật liệu thông thường, nguồn cấp phối đá dăm.
Chủ tịch UBND các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang) áp dụng mọi cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi nhất để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao cũng như đã cam kết (về trữ lượng, công suất khai thác). Các địa phương kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá khi nhu cầu vật liệu san lấp tăng cao.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” để bù lại tiến độ ngay khi được cấp mỏ vật liệu; tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn…; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, thất thoát tài sản và tiền vốn của nhà nước, kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ…
Nguồn: https://tienphong.vn/thu-tuong-phan-dau-co-600km-cao-toc-dbscl-vao-nam-2025-post1686184.tpo