Sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định mới được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: T. Thảo
Đánh giá, phân hạng sản phẩm
UBND tỉnh vừa có quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2025. Cấp tỉnh có 11 thành viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối kinh tế là Chủ tịch Hội đồng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là Phó chủ tịch Hội đồng. Các thành viên còn lại là các sở, ngành có liên quan.
Việc phát triển sản phẩm OCOP được tỉnh xác định là nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường… góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới. Bộ tiêu chí OCOP mới được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa tối đa Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018 – 2020, chỉ điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu, nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương. Cơ bản giữ 26 bộ sản phẩm. Có một số thay đổi như: Bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh, gồm: hoa, cây cảnh và động vật cảnh; gộp nhóm sản phẩm về sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí thành Bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ; bổ sung một số sản phẩm chưa được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg vào bộ sản phẩm, như: mật ong, tinh dầu…
Bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.
Quy định về hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được sửa đổi theo hướng giảm bớt các biểu mẫu, như: phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; phương án sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).
Với việc thay đổi trong phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP, tỉnh cũng đề ra lộ trình và khuyến khích các địa phương thực hiện mỗi năm 2 đợt đánh giá, cụ thể đợt 1 diễn ra vào tháng 5 – 6, tháng 10 – 11 là đợt 2.
4 sản phẩm OCOP cấp Trung ương
Ngày 17-5-2023, tại Hà Nội, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 đã họp, đánh giá và chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP. Tỉnh có đại diện Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới và chủ thể OCOP tham dự. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam – Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT Lê Bá Anh – Tổ trưởng Tổ tư vấn cho hay, đợt này trong 85 hồ sơ thuộc nhóm thực phẩm được các địa phương đề xuất, Tổ tư vấn đã tiến hành thẩm định, đánh giá đợt 1 cho 30 hồ sơ. Từ 30 hồ sơ có 19 sản phẩm được Tổ tư vấn chấm trên 90 điểm, đủ điều kiện đề nghị Hội đồng OCOP cấp Trung ương xem xét, công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Các sản phẩm này đều là các sản phẩm gắn với thế mạnh, đặc thù của địa phương, hồ sơ minh chứng đầy đủ. Tỷ trọng sản phẩm của các địa phương thuộc khu vực Nam Bộ cao, tương ứng với vị trí là khu vực trọng điểm sản xuất nông lâm thủy sản của cả nước. Có 7 sản phẩm được Tổ tư vấn đánh giá, chấm điểm không đạt 90 điểm. Có 4 hồ sơ sản phẩm không đáp ứng yêu cầu tối thiểu hồ sơ phải đạt.
Theo đánh giá của Hội đồng, Chương trình OCOP đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, hiện cả nước đã có trên 9.500 sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP đang phát triển rất nhanh. Vì vậy, yêu cầu các sản phẩm phải nâng cao chất lượng và đảm bảo các tiêu chuẩn được đặt lên hàng đầu. Qua công tác đánh giá, thẩm định, có thể thấy các chủ thể OCOP đã ngày càng chú trọng hoàn thiện chất lượng cũng như đa dạng hóa mẫu mã của sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà các chủ thể cần chú ý như các sản phẩm được thẩm định, đánh giá vẫn chưa thể hiện được rõ nét đặc sắc của các sản phẩm OCOP là gắn liền với đặc trưng của địa phương. Sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương để phục vụ khách du lịch, vì vậy sản phẩm OCOP phải có tính cộng đồng. Bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng thì các sản phẩm OCOP 5 sao còn đòi hỏi rất cao về mẫu mã, bao bì. Mẫu mã, bao bì cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, khẳng định tính chuyên nghiệp, chất lượng của sản phẩm với người tiêu dùng.
Sau khi thảo luận, trao đổi và bỏ phiếu, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 đã ra quyết định công nhận 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp quốc gia. Bến Tre có 4 sản phẩm là kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng lá dứa, kẹo dừa gừng, kẹo dừa sầu riêng của Công ty TNHH SXKD Tổng hợp Đông Á.
“Hiện nay, các huyện, thành phố đã kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Huyện Châu Thành là đơn vị đầu tiên hoàn thành đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Các huyện còn lại đang thực hiện. Theo lộ trình, đến giữa tháng 6-2023, các huyện sẽ trình tỉnh kết quả đánh giá và đề nghị Hội đồng tỉnh xem xét, công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao”.
(Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ)
|
Thạch Thảo – Thơm Trần