Hình ảnh về thư ngỏ kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiết mục diễn văn nghệ mừng ngày 20/11 với chi phí gần 22 triệu đồng đang gây tranh cãi trong dư luận. Giáo viên cho rằng, phụ huynh chi nhiều tiền cho ngày 20/11 là việc không nên làm vì “quá phản cảm và tốn kém”.
Biểu diễn văn nghệ ngày 20/11 với kinh phí 22 triệu đồng gây tranh cãi
Mới đây, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, quận 12, TP.HCM gửi thư ngỏ cho phụ huynh trong lớp về việc vận động góp tiền cho chương trình diễn văn nghệ của lớp mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gây xôn xao dư luận.
Nội dung thư ngỏ này đăng kèm bảng dự trù kinh phí tổ chức một tiết mục múa hát dân ca từ một trung tâm đào tạo năng khiếu trên địa bàn.
Cụ thể, tiết mục hát dân ca có chi phí biên đạo 10 triệu đồng, chi phí thuê trang phục 5,61 triệu đồng, tiền ăn và nước uống cho 10 bạn trong đội văn nghệ cùng với các hoạt động thể thao sẽ hết 6 triệu đồng. Tổng chi phí cho tiết mục này là 21,61 triệu đồng.
Theo bảng dự chi, phụ huynh đến từ trung tâm đào tạo năng khiếu cung cấp dịch vụ nói trên ủng hộ 3 triệu đồng. Số tiền dự trù còn lại là 18,61 triệu đồng và kêu gọi ủng hộ từ các phụ huynh. Do bảng kinh phí này quá cao, không phù hợp nên giáo viên đã trao đổi lại với Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, không chấp nhận mức kinh phí này.
Bà Lại Thị Bạch Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh chia sẻ, không có việc nhà trường chỉ đạo các lớp vận động quyên góp từ phụ huynh số tiền lớn cho tiết mục văn nghệ. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên và Ban đại diện cha mẹ phụ huynh lớp xem xét phương án phù hợp, không được vận động, quyên góp phụ huynh số tiền lớn như vậy.
Ngay sau khi vụ việc được chia sẻ, nhiều phụ huynh khác bày tỏ bức xúc vì trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì việc chi một khoản lớn cho tiết mục văn nghệ là không thỏa đáng: “Con mình cũng như vậy. Lớp thi văn nghệ ở trường thôi mà thuê biên đạo, trang phục hết hơn 10 triệu. Tổng cả tiền nước uống nữa chi phí lên đến hơn 15 triệu đồng. Rất tốn kém”.
Hay có phụ huynh bày tỏ: “Vừa đóng quỹ lớp 700.000 đồng, đồng phục lớp 200.000 đồng rồi giờ lớp lại kêu gọi đóng thêm 500.000 đồng cho vụ nhảy flashmob. Nhiều phụ huynh đồng ý hết, chẳng lẽ mình lại không đồng ý để con bị kỳ thị”.
Trước đó, một lớp 2 của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở TP.HCM cũng gây xôn xao với quỹ phụ huynh toàn chi tiền phong bì cho giáo viên. Ngày 20/11 và 5 ngày lễ khác trong năm của lớp này đều có khoản “phong bì” cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, bộ môn với mức chi dao động từ 1 đến 2,5 triệu đồng.
Theo lý giải của nhà trường, đây là khoản dự kiến chi của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tự đưa ra, chưa thông qua giáo viên chủ nhiệm. Hiệu trưởng đã phân tích cho phụ huynh hiểu việc chi chăm lo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu là sai quy định, đồng thời yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh trả lại tiền cho phụ huynh đã đóng góp.
Ngày 20/11: Không nên chi nhiều tiền vì phản cảm và tốn kém
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa bày tỏ: “Phụ huynh chi nhiều tiền cho ngày 20/11 là việc không nên làm vì quá phản cảm và tốn kém”.
Theo thầy Hiển, ngày 20/11 giáo viên cần được nghỉ ngơi thay vì chạy theo những cuộc thi, hội thi, phong trào. Ngoài ra, thầy cô cũng là học trò, cũng cần có thời gian đến thăm những người thầy người cô của mình. Việc xã hội tôn vinh, tổ chức vinh danh ngày này là điều ý nghĩa, thầy cô vô cùng cảm kích nhưng nên “gọn nhẹ, tiết kiệm, đơn giản và thiết thực”.
Thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội nêu quan điểm: “Giáo viên cần học sinh thi đua về hoa điểm tốt, sự ân cần từ những hành động chỉn chu trong học tập, rèn luyện, tri ân bằng những lời chúc động viên và tham gia cùng hoạt động tri ân chung của nhà trường. Vinh danh, hội diễn văn nghệ chào mừng ngày 20/11 thì nên nhẹ nhàng, tránh tốn kém”.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung, tác giả cuốn sách “Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và tôi”, cho biết: “Từ bao lâu nay, nhiều người Việt xem ngày 20/11 là ngày tết đặc biệt, “Tết thầy cô giáo”. Chúng ta mặc nhiên xem đó là ngày để tôn vinh giáo viên và thầy cô cũng hoan hỉ đón nhận sự tôn vinh đó mà quên mất ngày này vốn dĩ được đặt ra không phải để tôn vinh hay không chỉ tôn vinh.
Đó là ngày nhắc nhở nhà giáo về sứ mệnh thiêng liêng của mình, đó là ngày nhắc nhở nhà giáo về hành trình đấu tranh mà họ đã, đang và sẽ còn tiếp tục trải qua để giành lấy quyền dạy học, quyền tự do thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình”.
Theo ông Trung, sự tôn vinh của xã hội một mặt có thể là niềm vui với những người làm nghề dạy học nhưng mặt khác lại khiến những nhà giáo lương tri cảm thấy đầy áp lực và trách nhiệm.
Họ hiểu, sự tôn vinh đi kèm những đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là khi gần đây nghề giáo bị bộ phận xã hội nhìn nhận thiếu tôn trọng với hàng loạt trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”. Với họ nếu không làm được gì cho xã hội mà nghiễm nhiên đón nhận sự tôn vinh là điều đáng xấu hổ.
Ở thời đại ngày nay, ý nghĩa của ngày 20/11 không chỉ dừng lại ở chuyện xác lập và tôn vinh nghề giáo. Ngày đó sẽ mang ý nghĩa lớn hơn nếu như đó là ngày để những người làm nghề dạy học tư duy lại và nhận thức lại công việc và nghề nghiệp của mình, cũng như định nghĩa lại vai trò và sứ mệnh của nghề nghiệp đối với người học và xã hội trong bối cảnh mới.
Nguồn: https://danviet.vn/tu-vu-keu-goi-phu-huynh-gop-gan-22-trieu-dong-mung-van-nghe-ngay-20-11-gay-tranh-cai-phan-cam-va-ton-kem-20241105110008574.htm