ANTD.VN – Ngoài những khó khăn khách quan của thị trường thì doanh nghiệp phân bón Việt đang còn gánh chịu bất lợi khác từ chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) phân bón.
Lần đầu tiên kể từ 2008 đến nay, Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu âm, lỗ trong quý I/2023. Hai doanh nghiệp Phân bón Dầu khí gồm Phú Mỹ, Cà Mau thì ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm sâu so với quý I/2022. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế và hợp nhất của Công ty mẹ Phân bón Cà Mau giảm hơn 84%; lợi nhuận trước thuế của Phân bón Phú Mỹ cũng ước giảm đến 88% so với cùng kỳ năm trước…
Kết quả sản xuất kinh doanh nêu trên đã phản ánh rõ bức tranh đầy khó khăn, thách thức của ngành phân bón trong giai đoạn vừa qua. Sau thời gian giá phân bón tăng cao kỷ lục thì kể từ gần cuối năm 2022 đến nay, giá đã liên tục giảm và ngày càng giảm rất sâu. Bên cạnh đó, do nhu cầu thấp, tiêu thụ khó khăn; lượng hàng tồn kho cao; cạnh tranh với phân bón ngoại ngày càng gay gắt… khiến các doanh nghiệp phân bón trong nước phải căng mình tìm các giải pháp khắc phục.
Do có sự chuẩn bị kỹ càng, thực hiện các giải pháp quản trị, điều hành linh hoạt từ sản xuất đến tổ chức kinh doanh nên Phân bón Phú Mỹ đã hạn chế phần nào tác động bất lợi. |
Chưa kể, do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, từ đó làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Nhưng cũng phải khẳng định rằng, đây là những khó khăn của thị trường vốn đã được các đơn vị dự báo trước; điển hình như với Phân bón Phú Mỹ, Cà Mau đã có sự chuẩn bị kỹ càng, thực hiện các giải pháp quản trị, điều hành linh hoạt từ sản xuất đến tổ chức kinh doanh nên đã hạn chế phần nào tác động bất lợi, đạt được kết quả nhất định trong quý I/2023, dù một số chỉ tiêu không đạt như Tập đoàn giao phó.
Song, ngoài những khó khăn khách quan của thị trường thì doanh nghiệp phân bón trong nước đang còn gánh chịu những khó khăn, bất lợi khác đến từ chính sách Thuế GTGT phân bón trong Luật Thuế 71 và Thuế tự vệ DAP.
Phân bón Việt lao đao do phải chịu “tác động kép” |
Luật Thuế 71 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỉ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000-4.000 tỉ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.
Năm 2023, Phân bón Cà Mau đặt mục tiêu phát triển trên cơ sở điều hành sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, kịp thời quản trị rủi ro, kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại từ các tác động tiêu cực, biến động giá, sản lượng, nhu cầu thị trường… tận dụng tốt các cơ hội, dư địa để tăng trưởng.
Nghiêm trọng hơn là chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là urê đã tăng khoảng 3 lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua.
Một phần nguyên nhân là do họ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước lao đao vì sức ép cạnh tranh.
Ngoài ra, kể từ tháng 9/2022, Thuế tự vệ đối với DAP không còn hiệu lực. Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng sau đó, lượng phân bón DAP nhập khẩu vào nước ta đã gấp đôi so với 8 tháng trước của năm 2022. Điều này cũng đang tạo nên áp lực cạnh tranh rất lớn đối với ngành phân bón trong nước, khiến hàng tồn kho DAP tăng lên rất nhiều. Do đó, các đơn vị đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng thuế phòng vệ DAP này…
Nông dân và nền nông nghiệp sẽ được hưởng lợi khi phân bón vào diện chịu thuế VAT ở mức 0-5% (Ảnh minh họa: Trung Chánh) |
Có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phân bón trong nước đang phải chịu “tác động kép” khi vừa nỗ lực vượt qua những bất lợi của thị trường vừa phải gánh chịu thiệt và cả những hệ luỵ từ các chính sách thuế không phù hợp.
Do đó, các đơn vị phân bón tiếp tục đưa ra kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có những sửa đổi quy định của Luật Thuế 71, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mong muốn tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Và cũng từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho nông nghiệp, cho người nông dân!