Hai đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo – Phân bón Phú Mỹ) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – Phân bón Cà Mau) đã và đang khẳng định được vai trò trụ cột đối với nền nông nghiệp nước nhà, góp phần tích cực vào giữ vững an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Phân bón Phú Mỹ – 20 năm cho những vụ mùa bội thu
Cách đây tròn 20 năm, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, nhà máy đầu tiên ở Việt Nam thuộc khâu sau của ngành Dầu khí với tổng mức đầu tư 445 triệu USD, công suất 740.000 tấn urê/năm chính thức được đưa vào vận hành thương mại. Nhà máy đã đáp ứng tương đương khoảng 50% nhu cầu phân đạm trong nước giai đoạn đó, góp phần làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào phân đạm nhập khẩu, tạo nguồn cung phân bón ổn định, dồi dào, từ đó góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Trong 20 năm qua, để cung ứng nguồn phân bón dồi dào, chất lượng cao, giá cả hợp lý, PVFCCo đã nỗ lực thực hiện các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mở rộng bộ sản phẩm phân bón đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của nền nông nghiệp hiện đại.
Từ nhà máy ban đầu, đến nay PVFCCo đã đầu tư, đưa vào vận hành thêm nhiều công trình mới, gia tăng đáng kể sản lượng và chủng loại phân bón. Điển hình là Tổ hợp Dự án đầu tư nâng công suất phân xưởng NH3 và Nhà máy Sản xuất phân bón NPK công nghệ hóa học, công suất 250.000 tấn/năm. Hiện nay, bộ sản phẩm NPK Phú Mỹ với gần 50 công thức đã trở thành một trong những bộ sản phẩm chủ lực của PVFCCo, được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao, vươn lên top đầu các thương hiệu phân bón hỗn hợp NPK của Việt Nam.
Từ chỗ chỉ có một sản phẩm duy nhất là urê, PVFCCo đã phát triển thành công bộ sản phẩm Phân bón Phú Mỹ gồm urê, NPK, kali, DAP, SA… Đều đặn trong các năm gần đây, PVFCCo liên tục đưa ra các sản phẩm mới, tiên phong trên thị trường như Đạm Phú Mỹ + Ke Bo (2020), NPK Phú Mỹ + vi sinh (2022) và đặc biệt là bộ sản phẩm Phu My Garden dành riêng cho nông nghiệp đô thị (năm 2023).
Song song với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, PVFCCo luôn chú trọng thực hiện công tác an sinh xã hội (ASXH). Tính đến nay, PVFCCo đã dành hơn 1.200 tỉ đồng cho công tác ASXH với gần 26.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, gần 300 công trình y tế – giáo dục, cầu nông thôn, hàng trăm nghìn phần quà cứu trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, quà Tết cho người nghèo, học bổng cho học sinh, sinh viên… Đồng thời, nhằm đồng hành và hỗ trợ thiết thiết thực cho bà con nông dân, hằng năm, PVFCCo đều đặn tổ chức các chương trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả, tiết kiệm cũng như tăng cường các gói quà tặng có giá trị sử dụng giúp nông dân tái sản xuất hiệu quả…
Có thể khẳng định, suốt 20 năm qua, Đạm Phú Mỹ đã kiên trì thực hiện sứ mệnh của mình, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu nông sản. Cả trong những lúc hoạt động sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn như sau đại dịch Covid-19, PVFCCo/Nhà máy Đạm Phú Mỹ vẫn nỗ lực bảo đảm nguồn cung phân bón đủ và kịp thời cho nông dân trên toàn quốc, giữ vững thị trường trong nước, góp phần vào thành công chung của nông nghiệp nước nhà.
Nhà máy Đạm Cà Mau
Phân bón Cà Mau – Điểm sáng vùng cực Nam Tổ quốc
Năm 2011, nơi cực Nam của Tổ quốc, Nhà máy Đạm Cà Mau – mảnh ghép cuối cùng của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau chính thức đi vào hoạt động, công suất thiết kế 800.000 tấn/năm với sản phẩm urê hạt đục hiện đại. Đây là một dự án lớn, quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra sự chủ động cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng, vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Trải qua 13 năm phát triển, đến nay, PVCFC đã nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của thị trường. Ngoài urê hạt đục, thương hiệu Phân bón Cà Mau còn có N.Humate+TE và N46.Plus… và cả những sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao nổi tiếng như OM CAMAU.
Trải qua 20 năm hoạt động, PVFCCo/Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã sản xuất và cung ứng cho ngành nông nghiệp hàng chục triệu tấn phân bón, mang lại lợi nhuận 30 nghìn tỉ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 6 nghìn tỉ đồng. |
Năm 2022, PVCFC đưa vào vận hành nhà máy sản xuất NPK với công suất thiết kế 300 nghìn tấn phân bón NPK/năm với giá cạnh tranh, góp phần ổn định trên thị trường phân bón. Đặc biệt, từ ngày 1-4-2024, PVCFC đã hoàn tất thương vụ M&A Nhà máy NPK thuộc sở hữu của Tập đoàn Taekwang-Huchems (nay là Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt do PVCFC nắm giữ 100% vốn điều lệ) nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế thị trường về dài hạn đối với các dòng sản phẩm phân bón chất lượng cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị cũng như tận dụng lợi thế kho bãi, logistics và gia tăng doanh thu cho công ty.
Tính đến nay, tổng sản lượng sản xuất của PVCFC đạt hơn 10,76 triệu tấn đạm, nộp ngân sách Nhà nước đạt 2,15 nghìn tỉ đồng. Cùng với các đơn vị trong cụm, Phân bón Cà Mau đã góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong tỉnh Cà Mau và khu vực, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò công trình trọng điểm quốc gia, từ giai đoạn xây dựng đến khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, công tác ASXH tại tỉnh Cà Mau luôn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong cụm quan tâm, tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể như hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà chính sách; hỗ trợ đầu tư nâng cấp xây dựng trường học, trạm y tế; xây dựng cầu giao thông nông thôn; trao học bổng Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng…
Giai đoạn Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào vận hành thương mại (năm 2012) đến nay, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, PVCFC cũng đã tham gia và đóng góp tích cực cho các hoạt động ASXH. Ban lãnh đạo PVCFC xác định đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn có ý thức chia sẻ, quan tâm đến cộng đồng, đặc biệt nơi nhà máy đóng chân. Riêng tại tỉnh Cà Mau, PVCFC đã hỗ trợ công tác ASXH cho tỉnh với tổng kinh phí gần 80 tỉ đồng; khoảng 500 tỉ đồng đối với cả nước.
Sau 13 năm phát triển, Phân bón Cà Mau đã mạnh mẽ vươn lên như hình ảnh cây đước, cây tràm Nam bộ và đạt những thành tựu đáng tự hào, góp phần tích cực vào giữ vững an ninh nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở vùng cực Nam Tổ quốc nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với các đơn vị trong cụm, Phân bón Cà Mau đã góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong tỉnh Cà Mau và khu vực, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước. |
Lê Vân
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/7691d0c6-e2d8-4f6d-893f-e69892f9696b