Khẳng định chức năng phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Mặt trận, ông Nguyễn Hoàng Hà – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đề nghị các đại biểu cần tập trung trí tuệ, tinh thần, có những phản biện đúng, trúng, sâu sắc trên cơ sở nghiên cứu kỹ các tài liệu, văn bản để giúp cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện các dự Nghị quyết một cách tốt nhất.
Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo nghị quyết ‘quy định đối tượng, nội dung và mức chi thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày thương binh – liệt sĩ, ngày Quốc khánh, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, ngày Quốc tế người cao tuổi hằng năm của tỉnh Ninh Bình’ vào chiều 7/11.
Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình quán triệt mục đích, nguyên tắc phản biện và định hướng nội dung phản biện về Nghị quyết trên.
Tại hội nghị, ông Dương Viết Yên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình đã thông tin cơ bản về nội dung của Nghị quyết như phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nội dung và mức chi thăm hỏi, tặng quà; nguồn kinh phí thực hiện và nguyên tắc áp dụng.
Phản biện về nghị quyết trên, ông Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: Đối với những ngày, dịp đặc biệt như kỷ niệm như 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024); 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025); 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 – 2/9/2025)…, cần tăng thêm mức chi thăm hỏi, tặng quà vì đây là những ngày rất đặc biệt của đất nước. Cùng với đó, đối với các địa bàn đặc thù như huyện Nho Quan (nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 17% dân số toàn huyện), Kim Sơn (vùng ven biển duy nhất của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo 2,05%) thì mức chi tặng quà nên được ưu tiên hơn các khu vực khác…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến, bổ sung vào một số nội dung còn thiếu, chưa cụ thể, chưa hợp lý tại các mục như: Đối tượng được thăm hỏi, tặng quà (con của nạn nhân nhiễm chất độc da cam, người bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh…); các mức chi thăm hỏi, tặng quà (nâng mức tặng quà đối với một số đối tượng, một số vùng…). Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản cung cấp, bổ sung thêm một số thông tin, giải trình làm rõ những vấn đề có liên quan.
Trên cơ sở phản biện của các đại biểu, ông Lâm Xuân Phương – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, đồng thời trao đổi, phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm về những căn cứ, quy định hiện hành, tình hình thực tế trong việc tham mưu, xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hà – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Các ý kiến đóng góp tại hội nghị đều xác thực, tâm huyết, thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Trong thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tham gia phản biện nhiều dự thảo Nghị quyết quan trọng của tỉnh… Vì vậy, đề nghị các đại biểu quan tâm, chuẩn bị kỹ, nghiên cứu sâu các văn bản, tài liệu để phản biện đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần xây dựng, góp ý để giúp các cơ quan soạn thảo hoàn thiện các Nghị quyết trước khi trình lên HĐND tỉnh.
‘Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ ghi nhận, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia phản biện của đại biểu và sẽ gửi cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp theo hướng đảm bảo tính khoa học, đúng quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn địa phương’, ông Hà khẳng định.
Nguồn: https://daidoanket.vn/phan-bien-voi-tinh-than-dung-trung-trach-nhiem-10294060.html