Cuối tháng 11 vừa qua, Việt Nam tham gia phiên bảo vệ báo cáo quốc gia về thực thi công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5 tại Thụy Sĩ. Lợi dụng dịp này, một số tổ chức và trang tin nước ngoài thiếu thiện chí đưa ra các báo cáo và nội dung sai lệch, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo và phân biệt đối xử với các cộng đồng dân tộc thiểu số; thông tin sai lệch về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc
Vài tháng trước khi Việt Nam tham gia phiên báo cáo rà soát thực thi công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc, một tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam tung tin rằng họ đã gửi tới ủy ban công ước các báo cáo về việc Việt Nam kỳ thị chủng tộc đối với người Thượng và người Mông vì giữ một niềm tin tôn giáo. Lập tức các nguồn tin không thiện chí với Việt Nam đã tung tin sai lệch nhà nước Việt Nam kỳ thị chủng tộc vì tôn giáo.
Nhận định sai trái cũng được nêu ra trong báo cáo của ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, cho rằng luật tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam năm 2018 được áp dụng không đồng đều, chính quyền khắc nghiệt với các tín đồ ở vùng nông thôn, gây khó khăn cho các tôn giáo độc lập chưa được đăng ký, đặc biệt là các nhóm tôn giáo trong dân tộc thiểu số như “đạo Hà Mòn”, “Dương Văn Mình”, “hội thánh đức chúa trời”.
Cần phải khẳng định rằng tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, đồng thời cũng được chứng minh mạnh mẽ trên thực tế.
Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo, 16 tôn giáo được nhà nước cấp phép hoạt động và 10.239 cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Rõ ràng không thể có một nhà nước kỳ thị chủng tộc, phân biệt tôn giáo nào mà các tôn giáo lại có thể phát triển mạnh mẽ về cả số lượng tín đồ và cơ sở sinh hoạt tôn giáo như vậy.
Bên cạnh đó, cái gọi là “những tôn giáo độc lập bị gây khó khăn” mà các thông tin sai lệch nêu ra thực chất là những tổ chức không được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo; trong đó có nhiều hội nhóm gây tác động tiêu cực tới an ninh trật tự xã hội.
Các tổ chức tôn giáo không được cấp phép và cũng không được thừa nhận nhưng lại hoạt động như là một tôn giáo chính thống – thì việc trộn lẫn các tôn giáo được công nhận hợp pháp và tôn giáo hoạt động bất hợp pháp là một hành động “đánh bùn sang ao”, quy tất cả vào một chỗ, không phân biệt được cái được phép và không được phép.
Lợi dụng khó khăn kinh tế
Lợi dụng tôn giáo để chống phá chế độ luôn là một chiêu bài để các tổ chức thiếu thiện chí sử dụng, bên cạnh đó là lợi dụng khó khăn kinh tế ở vùng sâu vùng xa để xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Các trang tin thiếu thiện chí gần đây cũng loan tin người Mông theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên có cuộc sống nghèo cơ cực và do bị chính quyền bỏ rơi nên cuộc sống ngày càng thêm khó khăn, hoặc cho rằng chính quyền tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số chỉ với mục tiêu định hướng dư luận.
Trên thực tế, Hiến pháp năm 2013 sửa đổi với 97 luật, bộ luật gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc, 188 chính sách thực hiện tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực, do chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những chính sách này đã đi vào cuộc sống, thể hiện qua chính những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống của đồng bào dân tộc.
Tính đến năm 2015, người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết đạt 79,8% 95,5% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trạm y tế. Tính đến tháng 6/2022, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trung bình 91,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2018 đạt bình quân 7%. Bên cạnh đó, bà con ngày càng có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số, để không ai bị bỏ lại phía sau, họ có đầy đủ cơ hội để phát triển, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công. Chính phủ Việt Nam cũng có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo. Những thành quả của chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, chính là những minh chứng rõ nét bác bỏ những luận điệu xuyên tác hòng gây chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân.
Phương Anh