Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4, để gửi tới hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào đầu năm 2024.
Vừa qua, một số hội nhóm tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam, nhân danh hoạt động vì nhân quyền đã cùng đứng tên tung ra nhiều báo cáo sai lệch về tình hình nhân quyền của Việt Nam, cũng như việc Việt Nam thực thi các khuyến cáo theo cơ chế UPR.
Chiêu trò gây nhiễu loạn thông tin
Các chiêu trò tung ra hàng loạt báo cáo xuyên tạc hòng gây nhiễu loạn thông tin cho quốc tế về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, với mục tiêu hạ thấp uy tín của Việt Nam trước phiên rà soát UPR lần thứ 4 sắp tới của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Hồi tháng 10 vừa qua, theo một số nguồn tin báo chí, một số tổ chức người Việt ở hải ngoại đã gửi tới cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc một bản báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam trước dịp rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 sẽ diễn ra vào đầu năm tới. Bản báo báo cáo đưa ra những thông tin sai lệch rằng Việt Nam không thực hiện quyền tự do ngôn luận và tùy tiện bắt giữ những cá nhân chỉ trích Chính phủ, Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do hội họp, cho rằng các điều trong luật an ninh quốc gia là mơ hồ, để đàn áp người bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền và blogger.
Đây đều là những tổ chức thiếu thiện chí, luôn đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu tính xây dựng về tình hình nhân quyền Việt Nam. Thậm chí trong số đó có tổ chức đã từng không che giấu mục tiêu chống phá nhà nước Việt Nam.
Ngay lập tức, một số hãng tin phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam cũng đăng bài phỏng vấn đại diện các tổ chức ra báo cáo này với ý kiến rằng Việt Nam không ngừng vũ khí hóa hệ thống luật pháp, chống lại những người dám chỉ trích nhà nước. Nhưng đi sâu vào từng báo cáo này mới thấy các vụ việc được viện dẫn là tùy tiện bắt giữ hay đàn áp đều có điểm chung là liên quan đến các đối tượng vi phạm pháp luật đã được cơ quan chức năng của Việt Nam xét xử theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam.
Các đối tượng này đều tự xưng là nhà hoạt động dân chủ, nhà báo hay thậm chí là tín đồ tôn giáo, rồi truyền bá tài liệu thông tin sai trái hòng chống phá chính quyền, kích động người dân chống đối chủ trương, đường lối của Nhà nước. Một số đối tượng bị đưa ra xét xử do những hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, công dân hoặc chống phá Nhà nước – các tội danh được quy định ở bộ luật hình sự và phải có tài liệu chứng cứ, chứng minh hành vi đã vi phạm pháp luật.
Không chỉ ở Việt Nam, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có hệ thống pháp luật để quản lý. Vì vậy, thực chất tất cả là chiêu trò “đánh hội đồng”, mang tính bôi nhọ Việt Nam, xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin và tác động đến việc đánh giá hoạt động nhân quyền, cũng như quyền con người của Việt Nam.
Cũng với cách thức đệ trình báo cáo chung gửi tới hội đồng nhân quyền, các tổ chức này tập hợp những quy định trong hiến pháp như hạn chế thực hiện quyền con người đối với lý do an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, để rồi kết luận rằng những quy định này là mơ hồ, tổn hại nghiêm trọng đến việc bảo đảm quyền con người. Trong khi thực tế các quy định trên trong hiến pháp, pháp luật của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể ở đây là công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ICCPR, trong đó có đề cập đến quyền của mỗi con người đều phải chịu sự giới hạn bởi những điều kiện cụ thể.
Có thể nói rằng đó là những báo cáo rất ác ý và thiếu cơ sở khoa học, pháp lý. Công ước về các quyền dân sự chính trị năm 1966 rất rõ ràng về việc mọi người có quyền thực hiện quyền của mình, nhưng việc thực hiện đó phải dựa trên sự tôn trọng pháp luật, không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác và không được xâm phạm đến vấn đề về an ninh quốc phòng. Không chỉ Việt Nam mà còn cả các nước Tây Âu, Pháp hay Mỹ cũng đều có những quy định tương tự như vậy.
Những báo cáo đầy tính ác ý như vậy khó có thể chấp nhận được trong một cộng đồng quốc tế dựa trên pháp luật.
Việt Nam coi trọng và thực hiện nghiêm túc UPR
Trên thực tế, những chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người được Việt Nam đặc biệt coi trọng. Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR. Điều này đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Cơ chế UPR của hội đồng nhân quyền ra đời từ năm 2008. Việt Nam đã tham gia ngay từ chu kỳ 1 năm 2009 và liên tục cho đến nay. Đủ ba chu kỳ UPR, mỗi chu kỳ Việt Nam đều ban hành các kế hoạch tổng thể, triển khai các khuyến nghị UPR được chấp thuận. Năm 2022, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 gửi lên hội đồng nhân quyền. Là một trong số ít quốc gia xây dựng báo cáo này, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của quốc gia, sự minh bạch và nghiêm túc đối với UPR nói riêng và việc thực hiện các khuyến nghị của mình nhằm bảo vệ nhân quyền nói chung.
Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 86,7% các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 và 12,4% khuyến nghị đã hoàn thành một phần. Việc thực hiện những khuyến nghị UPR đem lại những tín hiệu tích cực về mọi mặt như bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Điều này góp phần tạo nên thành tựu Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia giảm nghèo đa chiều thành công. Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận trong một số mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có xóa đói, giảm nghèo, khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh của người dân được cải thiện.
Chúng ta cũng có thể thấy sự phát triển trong hạ tầng đổi mới công nghệ ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết rất mạnh mẽ trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số, để không ai bị bỏ lại phía sau. Họ có đầy đủ cơ hội để phát triển, họ cũng dễ dàng được tiếp cận với các dịch vụ công.
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới. Là thành viên hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam tham gia đề xuất và soạn thảo các nghị quyết được hội đồng thông qua và đánh giá cao.
Tất cả những nỗ lực và thành tựu đảm bảo nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận. Những báo cáo sai sự thật do các hội nhóm, tổ chức gửi tới phiên rà soát UPR lần thứ 4 sắp tới chính là nhằm mục tiêu cung cấp cho quốc tế một bức tranh méo mó về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, hòng hạ thấp uy tín, vai trò của Việt Nam trong nỗ lực chung đảm bảo nhân quyền trên toàn thế giới.
Phương Anh