TPO – Nếu khi nào bạn cảm thấy tuyệt vọng và nghĩ đến việc từ bỏ, hãy đọc câu chuyện của Phạm Phước Hưng. Anh là biểu tượng chiến thắng bệnh tật và cứ mỗi lần rơi vào nghịch cảnh lại vươn lên mạnh mẽ hơn.
Ngồi bệt xuống thảm xốp, lắc mái đầu ướt nhẹp mồ hôi sau khi hoàn thành động tác trồng chuối chống đẩy, Chu Thanh Hoàng hào hứng kể rằng cậu từng nghĩ phải mất cả năm mới có thể thực hiện động tác này, vậy mà đã thành công chỉ sau một tháng tập luyện ở Phước Hưng Gymnastics. Bây giờ chàng trai 17 tuổi đang luyện những nội dung khác. Như cậu nói, khó nhưng đầy kích thích.
“Trước đây em dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội hay game online. Giờ nghĩ lại thấy tiếc vì đã bỏ lỡ những điều tuyệt vời này. Kể từ khi tập luyện ở đây em không những khỏe hơn, bền hơn mà đầu óc cũng tỉnh táo, nhanh nhạy để học tập tốt hơn”, Hoàng chia sẻ.
Hoàng nhà ở cuối Thụy Khuê, mỗi buổi chiều lại tới đây tập luyện. Cậu đang theo môn Calisthenics và dự định sẽ tham gia thi đấu trong tương lai. Calisthenics có những kỹ thuật rất khó, thách thức giới hạn chịu đựng, nhưng Hoàng không nản lòng. Cậu tự tin với sự hướng dẫn, đồng thời được truyền cảm hứng từ câu chuyện của chính thầy mình, người sáng lập CLB Phước Hưng Gymnastics, ngôi sao Thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam Phạm Phước Hưng.
Phước Hưng từng 2 lần dự Olympic và sở hữu hơn 60 huy chương các loại trong sự nghiệp, bao gồm 2 huy chương Vàng Cúp Thế giới, 7 huy chương Vàng SEA Games. Chưa hết, anh còn sáng tạo 2 động tác mới với độ khó cấp D và E được Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) đưa vào hệ thống kỹ thuật thi đấu.
Nhìn vào bộ sưu tập huy chương đồ sộ ken dày khung kính treo ở phòng tập, cảm giác đầu tiên là sự choáng ngợp. Và sau đó, tự nó có thể kể câu chuyện về Phước Hưng, chàng trai phi thường đi lên từ nghịch cảnh.
“Ngừng tập luyện. Cậu phải từ bỏ thể thao nếu không muốn bị liệt hẳn”.
Những lời bác sỹ nói khiến Hưng choáng váng. Anh không thể tin đó là sự thật. Lúc đó Hưng mới 18 tuổi và chịu đựng cơn đau dài ngày dưới thắt lưng. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 5 (2006), anh “đi thi mà như tra tấn”. Sau khi giành Huy chương Vàng xà kép, anh hướng đến Huy chương Vàng xà đơn. Thế nhưng vừa nhảy lên, Hưng phải nhảy xuống vì cơn đau hành hạ.
Tuy nhiên, Hưng chỉ nghĩ mình bị chấn thương, một chấn thương nào đó mà mọi VĐV vẫn bị. Vào những đêm đau không ngủ nổi hay khi lưng u lên một cục lớn, anh vẫn đinh ninh như thế. Anh không tin mình bị lao cột sống, và vi khuẩn lao đã ăn mòn tận 2 đốt sống.
Những ngày tiếp theo, Hưng giam mình trong phòng, căn phòng nhỏ ở ký túc Nam Ninh (Trung Quốc) và tự hỏi, vậy là mọi thứ kết thúc rồi ư? Rồi các huấn luyện viên (HLV) cho Hưng về Việt Nam điều trị. Tất cả nghĩ rằng đã mất một tài năng TDDC.
Riêng Hưng thì không. Bởi anh đã có cho mình câu trả lời. Làm sao có thể dừng lại sau ngần ấy năm cực nhọc tập luyện, với bao nhiêu niềm tin, công sức mọi người đặt vào mình?
Hưng còn nhớ năm 6 tuổi bé nhỏ, gày yếu đến mức nhiều thầy cô đã rất sửng sốt khi anh được các chuyên gia lựa chọn. HLV lý giải rằng Hưng “có đôi mắt ngời sáng, ánh lên sự kiên định và khát khao”. Ông đã đúng, khi Hưng thuộc nhóm 5 người trụ lại từ 100 người đầu tiên, sau đó sang Trung Quốc tập huấn, tiếp tục là một hai người cuối cùng được ở lại, bước vào hành trình khổ luyện kéo dài hơn chục năm ở xứ người.
Hưng nhớ lời cố võ sư Hoàng Vĩnh Giang (Anh hùng lao động, cựu Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam), khi thuyết phục gia đình cho anh sang Trung Quốc, rằng “để nuôi dạy một người trưởng thành thì ai cũng làm được, nhưng để đào tạo nên một VĐV thể thao đỉnh cao thì hiếm người có thể, cháu có khả năng, nên đi để thành công”.
Như bác Giang nói, không dễ để cho ra lò một VĐV TDDC. Phải mất hàng chục năm đào tạo từ tấm bé, với chu trình tập, ăn, tập, ăn và học văn hóa lặp đi lặp lại, bắt đầu từ 5 rưỡi sáng đến 9 rưỡi tối. Sau những gì đã trải qua và bắt đầu gặt hái thành công cho đất nước, Hưng cần tiếp tục.
Mới đây trên facebook cá nhân, Phước Hưng chia sẻ bộ phim mang tên Cinderella Man. Bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện cuộc đời nhà vô địch quyền anh hạng nặng James J. Braddock, người phải từ bỏ sự nghiệp vì gãy tay rồi làm công việc bốc dỡ hàng để nuôi sống gia đình.
Khi lâm cảnh túng quẫn, ông đã quay trở lại võ đài, luyện tay trái thay cho tay phải bị gãy và liên tiếp đánh bại các đối thủ để giành đai vô địch hạng nặng thế giới. Braddock được coi là biểu tượng của khát vọng vươn lên trong bối cảnh đại suy thoái thập niên 1930.
Trong Cinderella Man, nhân vật Braddock do Russel Crowe thủ vai đã nói: “Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, tôi tin có thể thay đổi chúng”.
Phước Hưng không biết đến phim này lúc còn trẻ, nhưng ngay từ lúc ấy anh đã có chung suy nghĩ với Braddock. Chúng ta vẫn có thể xoay chuyển số phận nếu có đủ quyết tâm và sự nhẫn nại.
Khi chưa thể tập luyện, thay vì sầu não, anh lên internet tìm hiểu thêm về TDDC, xem các clip thi đấu của những VĐV TDDC thế giới. Từ đó anh không chỉ hiểu rõ các đối thủ mà còn hình thành trong đầu những kỹ năng mới.
Sau một thời gian điều trị, bệnh tình bắt đầu thuyên giảm và Hưng tập luyện trở lại, từng bước một. Trong sự ngạc nhiên của nhiều người, anh đã tái xuất ở các giải đấu, đầu tiên thi đấu các môn tay, tiếp theo là các môn chân và toàn năng.
“Lúc đau nhất mình còn lấy được Vàng cơ mà”, anh nói. Vì vậy, khi đã khỏe lại, Hưng liên tiếp giành Vàng SEA Games, rồi Cúp thế giới và bước ra đấu trường lớn Olympic. Không chỉ đảo ngược vận mệnh, Hưng còn lột xác một cách toàn diện. Trong những ngày phải xa sàn đấu anh cũng thay đổi về tư duy nghề nghiệp. Nếu như trước đây tập chỉ để tập, tập vì thầy, bây giờ anh tập vì mình, tập để tốt hơn.
Nếu so sánh, Braddock còn may mắn hơn Phước Hưng bởi số phận chỉ thử thách một lần. Với chàng trai người Hà Nội, “mọi thứ trở nên tồi tệ” và anh tiếp tục rơi vào nghịch cảnh.
Đó là những tháng ngày lao lực quá độ, khi Hưng vừa tập luyện, vừa chạy xe máy sang Từ Sơn theo học trường ĐH Thể dục thể thao. Anh bỗng ho nhiều không dứt, càng ngày càng trở nặng và nóng ran trong ngực. Sau thời gian dài chịu đựng, anh quyết định đi khám. Bác sỹ nói anh bị lao phổi.
Ở độ tuổi 25, nhiều VĐV TDDC sẽ tính chuyện giải nghệ. Họ càng dễ dàng đưa ra quyết định nếu mắc bệnh như Hưng. Tuy nhiên, đó không phải lựa chọn của anh. Lần này anh không còn sốc nữa, bởi có niềm tin mạnh mẽ sẽ lại chiến thắng bệnh tật.
Anh vừa tập luyện vừa chữa bệnh. Vì liệu trình dài lại dùng nhiều kháng sinh, da Hưng sạm đi, mặt nổi nhiều mụn. Phải bồi bổ nhiều, Hưng cũng tăng cân trông thấy, trong khi TDDC đòi hỏi vóc dáng nhẹ nhàng. Thế nhưng tất cả những điều đó không làm phiền anh. Anh vẫn xuất sắc giành Huy chương Bạc Cúp thế giới 2014, thống trị đấu trường SEA Games và lần thứ hai giành vé dự Olympic.
Cũng không khác hồi bị lao cột sống, sau khi đánh bại bệnh lao, một bài học khác được rút ra. Anh ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe, chú ý hơn tới chế độ ăn uống. Chấm dứt những ngày ăn uống “thả phanh”, anh xây dựng thực đơn lành mạnh, sinh hoạt điều độ và lịch trình tập luyện hợp lý để ngăn ngừa, đẩy lùi bệnh tật.
Đến một ngày, Hưng muốn lan tỏa những kinh nghiệm ấy cho mọi người. Anh quyết định tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn và cố gắng thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao trong cộng đồng. Bên cạnh đó, học thêm về dinh dưỡng, quản trị, kinh nghiệm kinh doanh trước khi mở CLB riêng mang tên Phước Hưng Gymnastics vào năm 2017.
Đi nhiều, Phước Hưng nhận thấy để gây dựng nền thể thao lớn mạnh cần đi lên từ phong trào. Và TDDC là bộ môn tích hợp đầy đủ 6 tố chất (nhanh, mạnh, bền, khéo léo, dẻo dai, phối hợp vận động), cung cấp nền tảng cho nhiều môn thể thao khác. Anh muốn tạo một môi trường tập luyện chuyên nghiệp, đúng cách, an toàn và tìm thấy sự vui thích trong thể thao.
Từ khi được mở ra, Phước Hưng Gymnastics ở Tứ Liên, Tây Hồ, trở thành điểm đến yêu thích của các bạn trẻ. Nhờ vậy phong trào TDDC phát triển mạnh mẽ. Nhiều buổi biểu diễn ở phố đi bộ, các giải phong trào đã diễn ra. Và sắp tới, giải Calisthenics quy mô toàn quốc mà Hoàng, học trò của Hưng rất mong chờ, cũng sắp được tổ chức. Cái nhìn về TDDC thay đổi. Từ e ngại, nhiều người chuyển sang ủng hộ, cổ vũ và trở thành một phần của cộng đồng.
Theo thời gian, học viên ngày càng mở rộng, từ trẻ nhỏ đến dân văn phòng, từ những thanh niên muốn thân hình “6 múi” đến những người muốn giảm béo, theo đuổi lối sống lành mạnh. Ngoài vấn đề thể thao, Hưng còn mong muốn cải thiện vóc dáng và sức khỏe của người Việt. “Hai lần mắc bệnh hiểm nghèo, tôi mong muốn người Việt khỏe mạnh hơn, bệnh viện không bị quá tải, mọi người nâng cao năng suất trong lao động và làm việc”.
Mang tới sức khỏe, niềm vui cho mọi người, Hưng cũng tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Anh kết hôn với Ngô Khánh Linh, diễn viên múa tới CLB để học thêm các động tác nhào lộn bổ trợ, và đến nay, họ đã có 2 nhóc tỳ dễ thương. Gia đình chính là lý do để Hưng đi đến quyết định giải nghệ, sau đó tập trung hoàn toàn cho những người thân yêu mà anh ít có cơ hội gần gũi lúc còn thi đấu. Braddock nói “trái tim tôi dành cho gia đình”, và Phước Hưng cũng vậy.
Dĩ nhiên, “gia đình” của Hưng còn bao gồm cả cộng đồng đam mê thể thao. Anh sẽ tiếp tục truyền lửa cho họ, nói với họ rằng không khó khăn nào không thể vượt qua, không điều tồi tệ nào không thể thay đổi. Chỉ cần bền gan, vững chí và niềm tin mãnh liệt vào những gì bản thân đang theo đuổi.