Hàng loạt vấn đề trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận chiều 23/11. Trong đó, nội dung giảm sở hữu chéo, thao túng và chi phối hệ thống ngân hàng nhận được nhiều góp ý từ các đại biểu.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị dự luật cần bổ sung quy định về minh bạch thông tin của các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại, thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, và xác định nghĩa vụ công bố thông tin với cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của ngân hàng trên một mức cụ thể.
Cùng với đó, phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Nêu ví dụ về vụ việc của Ngân hàng Sài Gòn – SCB, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, sở hữu chéo, chi phối, thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Trong khi các quy định đưa ra tại dự thảo về giảm tỷ lệ sở hữu, siết hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ lại là các biện pháp hữu hình.
“Dùng các công cụ hữu hình để xử lý cái vô hình sẽ không hiệu quả. Vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay là quản trị, nên cần xác định cá nhân, tổ chức nào thực sự là chủ sở hữu của nhà băng mới chống được sở hữu chéo, thao túng”, ông Trịnh Xuân An nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chúng ta cần “hàng rào” để ngăn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng. Cùng với đó cần giám sát trường hợp “ông chủ” của ngân hàng là doanh nghiệp lớn, tránh lại xảy ra tình trạng như Ngân hàng SCB.
Theo ông Hòa, đã có tình trạng tiền gửi của người dân vào ngân hàng không tới người cần vay, còn cổ đông lớn, ông chủ các nhà băng lại tiếp cận dễ dàng.
“Do vậy, cần giảm tỷ lệ sở hữu, siết cấp tín dụng, nhưng quan trọng hơn phải xử lý được tình trạng ‘ông chủ’ đứng sau ngân hàng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, khả năng xảy ra thêm một SCB”, ông nói.
Cúng đóng góp về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu thực tế, có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng hoặc cho vay doanh nghiệp “sân sau”, nên cần sửa quy định siết tỷ lệ sở hữu, hạn mức cấp tín dụng cho khách hàng.
Tuy nhiên, bà Nga lo ngại việc giảm ngay giới hạn cấp tín dụng sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các ngân hàng và vốn tập trung vào một nhóm khách hàng. Vì thế, bà Nga đề nghị cần lộ trình thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu vốn, dư nợ tín dụng cho vay.
Giải trình về nội dung các đại biểu nêu ý kiến đóng góp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc đưa ra quy định siết tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan hay giảm dư nợ tín dụng là căn cứ xử lý khi có sai phạm.
Thực tế khó xử lý triệt để sở hữu chéo, chi phối trong ngân hàng chỉ với những quy định này, quan trọng là tổ chức thực hiện.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân là 5% nhưng nếu cổ đông cố tình nhờ người khác đứng tên, thì việc xử lý thao túng rất khó.
“Vì thế cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các bộ, ngành, như có hệ thống thông tin doanh nghiệp, cá nhân để xác thực họ là ai, liên quan thế nào tới doanh nghiệp vay vốn”, bà Hồng chia sẻ.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Ủy ban Kinh tế cùng các cơ quan của Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật, để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.
PHẠM DUY