Một trong những nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu rõ là: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo các chuyên gia, ban soạn thảo cần cụ thể hóa tiêu chí “Điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận xét, ngay cả quy định có trong dự thảo Luật Đất đai là “thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ” cần làm rõ, phải lượng hóa cụ thể chứ không để câu chữ chung chung.
“Cần phải làm rõ thế nào là hơn nơi ở cũ chứ không thể nói chung chung. Khi tài sản bị thu hồi đất ở mặt đường, nhưng khi chuyển đổi lên vị trí của khu tái định cư lại là chung cư chẳng hạn thì như vậy rất là khó để so sánh. Vấn đề này phải được cụ thể hóa trong quá trình làm luật“, ông Nam nhận định.
Góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi tại tọa đàm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, khi Nhà nước thu hồi đất là thu hồi quyền tài sản của người sử dụng, nên cần quan tâm hơn nữa quyền của người sử dụng đất như quyền được bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, trong quy trình thu hồi phải đưa nội dung là kiểm soát điều kiện của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì mới triển khai hoạt động thu hồi.
Ngoài ra, cần công bố, công khai, cụ thể nội dung triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công khai giá đất, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, phương pháp tính giá khi Nhà nước thu hồi đất trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất sẽ là cơ hội để chỉnh trang đô thị, tăng giá trị đầu tư cho dự án… Người có đất bị thu hồi có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Họ có thể là nhà đầu tư cho dự án bằng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo khoản 23, Điều 3 của Dự thảo Luật Đất đai mới để sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận thu được trong sản xuất kinh doanh sẽ được chia theo tỷ lệ vốn góp bằng quyền sử dụng đất. Do đó, việc duy trì khoản thu nhập đều đặn cho người có đất bị thu hồi sẽ hạn chế được tình trạng người dân nhận tiền bồi thường một lần để đầu tư sắm sửa nhà cửa, phương tiện giao thông…mà không tái đầu tư sản xuất kinh doanh dẫn đến hậu quả người nông dân vẫn lâm vào vòng xoay của sự đói nghèo.
“Việc chia lợi nhuận sẽ là giải pháp phát triển bền vững cho người nông dân khi có đất bị thu hồi, Nhà nước triển khai được dự án, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây chính là công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực khi Nhà nước thu hồi đất“, PGS.TS Doãn Hồng Nhung nói.
Trả lời VTC News, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cũng chỉ rõ, chi tiết “bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” còn chung chung, chưa cụ thể hoá.
“Quy định thế này là đúng rồi, không sai, nhưng phải cụ thể, phải chỉ ra tốt hơn nơi ở cũ là như thế nào? Các tiêu chí để cụ thể hoá như: phải có đường giao thông thuận lợi, nước sinh hoạt, đất sản xuất để sinh kế (nếu là khu vực nông thôn) và điện“, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Bên cạnh đó, việc bồi thường tính giá đất theo Nhà nước ban hành từng loại đất ở thời điểm thu hồi đất là chưa phù hợp.
Bởi khi làm công tác bồi thường thì thường xác định giá đất ngay từ thời điểm có quyết định thu hồi đất. Vấn đề đặt ra là sau khi bồi thường thu hồi đất xong thì vùng đất cũ của người dân sẽ trở thành vùng đất thuận lợi về giao thông. Người dân chuyển đi chỗ khác sẽ có sự so sánh với nơi ở cũ.
Vì vậy, cần phải bồi thường cho người dân theo khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở tại khu vực mà bị thu hồi như thế nào cho phù hợp.
Quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các nguyên tắc tái định cư
Khoản 6, Điều 85 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý.
Khoản 2, Điều 89, quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Ngọc Vy
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo