PHỤ HUYNH TÂM TƯ, THẮC MẮC
Mặc dù các trường đã thực hiện khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh trước khi thực hiện, tuy nhiên hiệu quả của những môn học liên kết với đối tác bên ngoài này – theo cách gọi của Sở GD-ĐT TP.HCM là “chương trình nhà trường” – tới đâu thì phụ huynh thấy mơ hồ, thậm chí là hoang mang.
Thời gian qua, PV Báo Thanh Niên nhận được nhiều đơn, thư, thắc mắc của phụ huynh học sinh (HS) về thời khóa biểu của HS tiểu học. “Không đăng ký mấy môn học như toán tư duy, học toán – khoa học bằng tiếng Anh hay tiếng Anh qua phần mềm… thì chúng tôi cũng không biết là giờ đó con sẽ làm gì, chẳng nhẽ bạn bè học con ngồi chơi không. Nhưng đăng ký học hết các môn thì mỗi tháng phải đóng thêm số tiền không nhỏ. Tiểu học được nhà nước miễn học phí, nhưng học hết các môn tự nguyện trong chương trình nhà trường này thì khoản đóng mỗi tháng của HS không nhỏ”; “Chúng tôi có cảm giác bây giờ học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thì phải học môn liên kết, phải học chương trình nhà trường đóng thêm tiền. Nhưng nếu không học những môn này thì có đảm bảo mục tiêu đề ra của Chương trình GDPT 2018 được hay không?”; Chương trình GDPT 2018 giúp phát triển năng lực phẩm chất, tư duy, sự sáng tạo của HS, giáo viên (GV) tới đâu, đâu là những thách thức?”. Đó là những tâm tư của rất nhiều phụ huynh HS tiểu học hiện nay tại TP.HCM.
“ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG” ?
Hiệu trưởng một trường tiểu học công lập tại trung tâm TP.HCM cho biết trường này may mắn có đầy đủ cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với đủ phòng học, phòng chức năng, sân bãi, máy tính, phủ sóng wifi, thiết bị dạy học cũng như đội ngũ GV, nhân viên trẻ, am hiểu công nghệ thông tin để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018 được thuận lợi. Trường cũng được sự đồng thuận của phụ huynh HS trong triển khai các kế hoạch giáo dục cũng như chương trình nhà trường (các môn tin học quốc tế, STEM, kỹ năng sống, tiếng Anh thông qua môn toán khoa học, tiếng Anh với người nước ngoài…).
Tuy nhiên, vị này thừa nhận “ở những trường học điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ GV chưa đảm bảo thì rất khó để Chương trình GDPT 2018 phát huy hiệu quả”. Bà phân tích ví dụ nếu một lớp học tiểu học có tới 50 – 53 HS/lớp (điều lệ trường tiểu học quy định 35 em/lớp), thiếu phòng học không đảm bảo 100% các em được học 2 buổi/ngày, thiếu GV bộ môn tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, tin học… thì rất khó để GV chủ nhiệm thực hiện hết yêu cầu cần đạt trong SGK, đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, sở trường của HS.
Có ý kiến bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng các môn tự nguyện ở chương trình nhà trường như một cách “điền vào chỗ trống”, lấp đủ 7 tiết/ngày cho đúng quy định ở bậc tiểu học theo Chương trình GDPT 2018. Vì sao những tiết đó không để HS được ôn toán, tiếng Việt, tự học như Chương trình 2006 trước đây? Chúng tôi đặt vấn đề này và vị hiệu trưởng nói trên nêu 3 ý chính: Thứ nhất, chương trình nhà trường bổ trợ cho Chương trình GDPT 2018, giúp HS phát triển toàn diện, đặc biệt ở đô thị đặc thù như TP.HCM thì HS cần được bồi dưỡng, trau dồi các kiến thức về tiếng Anh, tin học, STEM…
Thứ hai, theo chương trình tổng thể Chương trình GDPT 2018, HS lớp 1, 2 học 25 tiết/tuần; HS lớp 3 học 28 tiết/tuần; HS lớp 4, 5 học 30 tiết/tuần. HS tiểu học sẽ học 7 tiết/ngày, 2 buổi/ngày. Theo quy định trên, nếu chỉ học đúng các môn bắt buộc trong chương trình thì hơn 3 ngày, hoặc hơn 4 ngày/tuần đã đủ thời lượng. Vậy thời gian còn lại HS sẽ nghỉ ở nhà hay làm gì?
Thứ ba, phụ huynh cũng hỏi sao không tổ chức ôn tập các môn tại lớp cho HS trong các tiết dư ra. Nhưng GV tiểu học cũng được quy định định mức tiết dạy là 23 tiết/tuần, nếu dạy quá tiết cũng không được tính phụ trội (muốn làm phụ trội phải đảm bảo một số quy định cụ thể), vậy ai sẽ là người trả tiền cho GV?
Thay vì liên kết, cần chính sách để GV tự dạy
Nhiều người đặt vấn đề GV trong trường có thể tổ chức làm giáo án, giảng dạy chương trình nhà trường thay vì liên kết được không? Hiệu trưởng một trường ở quận trung tâm TP.HCM cho biết: “Với đội ngũ nhà giáo được đào tạo bài bản, chúng tôi có đầy đủ khả năng có thể dạy STEM, kỹ năng sống hay ngoại ngữ, các câu lạc bộ thể dục thể thao, nghệ thuật cho HS. Với cách làm này, số tiền thu cho mỗi môn học cũng ít hơn là liên kết với đơn vị ngoài, phụ huynh cũng có thể yên tâm về giáo án, về chương trình, đồng thời có thể có thêm thu nhập cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên. Tuy nhiên, chúng tôi cần cơ chế, chính sách mở đường, sự hướng dẫn cụ thể của Sở GD-ĐT, hay phòng GD-ĐT cho việc này. Tôi nghĩ rằng đây cũng là mối quan tâm của nhiều cơ sở giáo dục công lập hiện nay”.
CẦN PHẢI CHÚ TRỌNG CÁCH THỨC LÀM
Hiệu trưởng một trường tiểu học khác tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho rằng TP.HCM là một thành phố năng động, đi đầu trong sự đổi mới, sáng tạo về giáo dục, kinh tế và các lĩnh vực thì những đổi mới trong chương trình nhà trường cũng cần được nhìn nhận ở góc độ tích cực, đánh giá đa chiều. Theo vị này, tất cả các chương trình nhà trường đều nhằm bổ trợ cho Chương trình GDPT 2018, giúp các em phát triển ngoại ngữ, tư duy, trải nghiệm… “Về mặt chủ trương, tôi nghĩ là đúng. Tuy nhiên cần phải chú trọng trong con đường, cách thức làm của các đơn vị. Nếu các đơn vị không truyền thông để phụ huynh hiểu về chương trình, cho phụ huynh thấy cái hay, những mặt lợi của chương trình, cũng như hiệu quả của chương trình và lấy ý kiến công khai, minh bạch trong khi áp dụng thì rất dễ vấp phải những mâu thuẫn, những làn sóng phản đối”, vị này nói.
Hiệu trưởng này nói thêm: “Những cái gì mới rất dễ vấp phải những tranh cãi. Càng là những chính sách, chủ trương mới thì người quản lý càng phải thận trọng, lắng nghe từ nhiều phía, bám sát mục tiêu giáo dục. Và phải thẳng thắn nhìn nhận rằng mục tiêu giáo dục tiểu học bây giờ khác với 10 năm, 20 năm trước”. Phóng viên đặt câu hỏi vậy nếu những HS điều kiện kinh tế khó khăn, không thể tham gia các chương trình nhà trường, thì phải chăng em đó không có cơ hội tiếp cận những cái toàn diện mà mục tiêu chương trình nhà trường đề ra? Người này đáp: “Thường thì mỗi cơ sở giáo dục luôn tạo điều kiện tối đa cho các HS được tiếp cận giáo dục trong sự công bằng, nếu HS có hoàn cảnh thật sự khó khăn, nhà trường đều cho các bạn học các môn này miễn phí. Các cơ sở cũng có những giải pháp linh hoạt, nếu HS không học môn này, như các bạn được bố trí đọc sách, tìm hiểu bài học tại thư viện với sự giám sát của cô thủ thư. Còn lại, nếu HS được cha mẹ chủ động từ chối học các môn này vì các lý do nào khác, đó là quyền lựa chọn của mỗi gia đình “. (còn tiếp)
Không còn khái niệm chính khóa, ngoại khóa
Trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh từ năm học 2024 – 2025, quy định dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT 2018 ở toàn bậc tiểu học, nên không còn khái niệm chính khóa, ngoại khóa trong thời lượng 2 buổi/ngày.
Vị này cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học, 100% HS được học 2 buổi/ngày để được rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu mà chương trình đề ra. Do vậy, các trường tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Khái niệm buổi 1, buổi 2, quan điểm buổi sáng là chương trình chính khóa, buổi chiều là chương trình ngoại khóa theo Chương trình GDPT 2006 là không còn phù hợp.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, ở bậc tiểu học, chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày của mỗi nhà trường. Chương trình nhà trường bổ trợ, song hành cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, không thể tách rời nếu muốn thực hiện tốt nhất mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Việc HS tiểu học tham gia chương trình nhà trường là quyền lợi của mỗi HS, giúp các em hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực, trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết nhất về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống… để không chỉ đáp ứng việc học tập ở bậc tiểu học mà còn ở các bậc học tiếp theo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phai-hoc-mon-lien-ket-tu-nguyen-trong-chuong-trinh-giao-duc-moi-185241016193744415.htm