Bài viết ‘Muôn lý do để học thêm’ đăng tải trên Báo Thanh Niên ngày 24.11 thu hút được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều người gửi các chia sẻ về lịch trình học thêm mỗi ngày của con mình, những lý do vì sao họ phải cho con họ học thêm và đề xuất cả những giải pháp thay đổi được tình trạng này.
4 giờ 20 chiều tan học thì 5 giờ lại tiếp tục học thêm
Bạn đọc lấy tên tài khoản Vỵ Phạm cho biết con của mình mới vào lớp 1 ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) nhưng sáng chiều học ở trường, 4 giờ 20 chiều về ăn nhẹ gì đó, 5 giờ đi học thêm, ngày nào không học thêm thì học Anh văn. Một tuần chỉ chủ nhật là nghỉ học thêm. Cha mẹ trong thời buổi kinh tế khó khăn phải lo làm đủ việc, chủ nhật mới có ngày nghỉ nên thứ bảy cũng phải lo đi tìm chỗ gửi nhờ con.
“Lứa 8X chúng tôi nhìn lại sao thấy giáo dục ngày càng nặng nề. Cha mẹ nào chẳng muốn con mình giỏi, thật xót xa khi thấy tuổi thơ thả diều, đuổi bướm, chơi đùa của mình thủa nhỏ giờ không còn thấy ở con mình. Chẳng lẽ giáo dục tỷ lệ nghịch với sự hồn nhiên của trẻ thơ. Xót lắm. Chiếc áo giáo dục sao cứ chắp vá sửa đổi hoài…”, Vỵ Phạm bình luận.
Phụ huynh Tho Nguyen Phuoc chia sẻ: “Nói thật nếu nhà trường và giáo viên dạy đủ chương trình như ngày xưa thì tôi không cho con đi học thêm. Giờ có một số giáo viên cho ôn tập ở lớp dạy thêm, nên nếu không cho đi học thêm thì làm khổ con mình”.
Phụ huynh Mr Zero kể: “Con tôi học tiểu học ở Q.7. Muốn cho con không học thêm cũng không được, ngoại trừ gia đình nào khó khăn thì đành chịu. Lý do là từ đầu năm học giáo viên đã “dằn mặt” phụ huynh rồi: nào là con anh chị học yếu… Lớp dạy thêm đối diện trường học luôn”.
Một phụ huynh ngao ngán: “Nhà nhà học thêm, người người học thêm. Cách đây nửa thế kỷ, học đủ dạy đủ, nội dung thi trong chương trình dạy, không gây áp lực, kết quả vẫn đào tạo ra những con người đầy tiềm năng, trí tuệ. Sao bây giờ việc dạy và học như trở thành một “kiếp nạn” thế”. Người này cũng bày tỏ ngành giáo dục cần hành động với mục tiêu duy nhất là “vì lợi ích trăm năm trồng người”, không phải vì thành tích hão huyền, không phải vì sớm vươn tầm châu Á vì cây măng có thành tre cũng phải trải qua một quy trình sinh trưởng phát triển không thể thay đổi.
Chương trình nặng, cha mẹ không thể dạy con học
Bạn đọc Tran Thi Lien nói về lý do của việc học thêm, dạy thêm tràn lan hiện nay: “Sách giáo khoa thay đổi, giáo trình nâng cấp nên phụ huynh đa số không biết dạy con. Một phần là có một số giáo viên cố tình chèn ép để học sinh đi học thêm. Nên việc học thêm là chuyện thường ngày ở huyện rồi”.
Phân tích về lý do gốc rễ vì sao học thêm trở thành câu chuyện muôn thuở của biết bao gia đình có con trong độ tuổi đến trường, một phụ huynh tên Thảo gửi ý kiến về Báo Thanh Niên: “Chương trình học phổ thông quá nặng, tưởng cải cách ra sao ai dè còn nặng hơn, thời gian còn nhiều hơn, chương trình nhiều hơn. Quá vô lý kêu gọi giảm tải có giảm đâu, còn tăng thêm nói sao không học thêm. Thi cử ngặt nghèo, thi lớp 10 căng thẳng… nên nếu dẹp được hết thi cử thì không còn học thêm. Cấm học thêm, dạy thêm ở tiểu học là hợp lý, còn THCS và THPT do các em phải thi cử nhiều nên tự do học thêm”.
Còn độc giả Lam Nguyen cho rằng lý do học sinh, phụ huynh phải vất vả vì chuyện học thêm đó là do chương trình trong sách giáo khoa quá nặng, mang tính hàn lâm học thuật, không phù hợp với mức độ hấp thụ kiến thức của học sinh và cũng không có tính thực tiễn.
Bạn đọc có tên SG chỉ ra một nguyên nhân dẫn tới tình trạng dạy thêm, học thêm bùng nổ hiện nay là lương giáo viên thấp. Khi lương thấp, giáo viên dạy đúng quy định, nhưng nếu chỉ dạy đúng quy định thì học sinh không thể nào vượt qua các kỳ thi khốc liệt được nên đành phải đi học thêm. “Phải tăng lương như trường tư thì ít ra mới hạn chế học thêm. Còn bất cứ thay đổi chính sách gì, hay chương trình gì mà lương thấp thì giáo viên sẽ không nhiệt tình làm đâu. Bảo mọi người bán công sức, tuổi thanh xuân lấy vài ba triệu một tháng thì không ai làm cả…”, bạn đọc này chia sẻ.