4 phương pháp xác định giá đất còn vướng mắc
Tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 21/6, góp ý về điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định ở điều 48 dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đề nghị cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp với pháp luật về quyền dân sự, về quyền cư trú.
Đại biểu đề xuất cho phép chuyển đổi khi đủ điều kiện là được phép chuyển đổi trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Dung đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
“Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18 để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, nữ đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Về phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Bố trí quỹ đất cho công nhân ở KCN
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) góp ý điều 5 về người sử dụng đất không quy định cá nhân là người nước ngoài được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp luật khác, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Điều 24, khoản 8 quy định về quyền của công dân đối với đất đai, đại biểu đề nghị bổ sung quy định bảo lãnh quyền sử dụng đất và cầm cố quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, để có căn cứ pháp lý giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Khoản 10 Điều 201 của dự thảo luật về đất khu công nghiệp, đại biểu cho rằng, so với quy định như dự thảo luật thiếu sự rõ ràng khi sử dụng cụm từ “xác định nhu cầu xây dựng”.
Mặt khác vẫn chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, chưa tương thích với Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, tương thích ở sửa đổi Luật Nhà ở; coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là hạ tầng thiết yếu cho khu công nghiệp.
Đại biểu đề nghị quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng công trình công cộng, phục vụ đời sống, làm việc trong khu công nghiệp.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp mang lại nhiều lợi ích hơn, giảm chi phí đi lại cho công nhân và doanh nghiệp, giảm ùn tắc giao thông, tiện lợi cho tổ chức sản xuất, nhất là khi có dịch bệnh hoặc thiên tai.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể hiện nhiều điểm mới, làm rõ nhiều vấn đề hơn so với những lần trước. Tuy nhiên, Luật cần có sự thống nhất với các quy định khác có liên quan, tránh sự chồng chéo với các Luật khác.
Góp ý vào Điều 19 và Điều 79 về việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị quy định rõ về việc thu hồi đất tại các khu kinh tế để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần có quy định rõ về các chủ thể kinh doanh được thuê đất, đất do Nhà nước quản lý….