Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi kết luận tại phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, diễn ra chiều 14/11.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, người đứng đầu Chính phủ cho rằng nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu còn hạn chế về tầm quan trọng, tác động lan tỏa và hiệu quả của cải cách hành chính.
“Phải có cảm xúc với tình hình, với những gì mà người dân và doanh nghiệp đang vướng mắc, để làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất“, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm (5 Bộ đạt 50%, 1 Bộ chưa thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư); cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi…
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức ở một số nơi còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; vẫn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”…
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu, mà nguyên nhân lớn nhất là ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một số người đứng đầu, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
“Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quyết liệt; chưa phát huy được vai trò người đứng đầu; hoạt động cải cách có nơi còn mang “tính hình thức”, chưa thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương chưa cao; tâm lý sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…“, Thủ tướng nêu.
Phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, bài học lớn nhất là cần phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ, nói đi đôi với làm, nhất là khi có tình huống phát sinh, vấn đề mới cần giải quyết.
Cùng với đó, triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; linh hoạt, tích cực, chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; nghiêm cấm tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thời gian tới, về các nhiệm vụ, giải pháp chung, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa cả 6 nội dung cải cách hành chính. Trong đó cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số, để tạo đột phá.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần chú trọng cải cách hành chính từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường cho cơ sở để giải quyết thủ tục, công việc cho người dân và doanh nghiệp.
“Các thành viên của Ban Chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023. Tuyệt đối không đùn đẩy, phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực“, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Thủ tướng lưu ý việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính được giao. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nào chưa trực tiếp phụ trách công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải phân công ngay.
Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lắng nghe, tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và rà soát, cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp…
Bên cạnh đó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ ngành trong đó nhấn mạnh yêu cầu, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
“Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai các nhiệm vụ cần thiết để thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2024“, Thủ tướng nêu yêu cầu với Bộ Nội vụ.
Bộ Tư pháp chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành tập trung rà soát toàn diện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.
Anh Văn